Thế giới ghi nhận gần 88,5 triệu ca nhiễm, WHO cảnh báo về các biến chủng virus corona

(VOH) - Tính đến 8 giờ ngày 8/1, toàn thế giới đã ghi nhận 88.455.495 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.905.173 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 8/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 88.455.495 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.905.173 ca tử vong.

Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 63.593.250 người.

covid-the-gioi-voh.com.vn-anh1
Người dân Anh đi bộ qua cầu London trong khi virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan nhanh chóng. Ảnh: Reuters

Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 373.795 ca tử vong trong tổng số 22.109.805 ca nhiễm.

Anh tiếp tục gia tăng với con số kỷ lục mới trong ngày 7/1 là 1.162 người, trong khi số ca nhiễm mới là 52.168 người.

Tiếp đó là Ấn Độ với 150.606 ca tử vong trong số 10.414.044 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 200.498 ca tử vong trong số 7.961.673 bệnh nhân.

Tuy nhiên, xét theo tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 172 người tử vong. Tiếp đến là Slovenia với 139 người và Bosnia-Herzegovina với 128 người.

Còn xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 27,9 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 601.600 ca tử vong.

Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 519.600 ca tử vong trong hơn 16 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 377.600 ca tử vong trong hơn 21,9 triệu ca nhiễm.

Châu Á ghi nhận hơn 223.100 ca tử vong trong hơn 14,1 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 91.300 ca tử vong, châu Phi có hơn 69.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là 945 người.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 7/1 cảnh báo cần phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với tình trạng đáng báo động do các biến thể nCoV mới được phát hiện gần đây. Theo WHO, virus thay đổi theo thời gian là điều tự nhiên và biến thể này không được cho là gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, nhưng khả năng "lây truyền nhanh hơn" của nó vẫn làm dấy lên lo ngại.

Cả hai chủng ở Anh và một chủng khác xuất hiện ở Nam Phi đều được cho là các phiên bản lây nhiễm mạnh hơn của nCoV. Các biện pháp do Kluge đề xuất là tuân thủ đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập, duy trì khoảng cách thể chất và rửa tay.

Tuy nhiên, theo WHO, các dấu hiệu ban đầu cho thấy vaccine COVID-19 phát huy hiệu quả đối với biến thể ở Anh.

Liên quan đến việc tiêm vắcxin ngừa bệnh COVID-19, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận hiện đã có 1,5 triệu người dân nước này được tiêm mũi vắcxin đầu tiên ngừa bệnh COVID-19, đồng thời cho biết hơn 1.000 phòng khám bác sĩ gia đình trên toàn Anh sẽ tiêm chủng cho hàng trăm nghìn người mỗi ngày, bắt đầu từ ngày 15/1. Bên cạnh đó, sẽ có 223 bệnh viện và 7 trung tâm tiêm chủng lớn và 200 hiệu thuốc cũng sẽ cung cấp dịch vụ tiêm chủng phòng COVID-19.

Ở Mỹ, khoảng 15,4 triệu liều vaccine đã được phân phối, nhưng chỉ có 4,5 triệu người được tiêm những liều đầu tiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ. Điều này kém xa so với kỳ vọng, đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ phải mất nhiều tháng nữa mới đạt được miễn dịch cộng đồng.

Tại Ấn Độ, cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ ngày 3/1 phê duyệt hai vaccine Covid-19 cho sử dụng khẩn cấp, một loại là vaccine do công ty dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford, Anh, phát triển, và loại còn lại là vaccine mang tên COVAXIN do công ty Ấn Độ Bharat Biotech nghiên cứu.

Trong khi đó, Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi ro cao. Nga ngày 6/1 thông báo họ đã tiêm chủng cho một triệu người và không ghi nhận phản ứng phụ có hại nào.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết đất nước sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng diện rộng vào 13/1. Chương trình sẽ khởi động tại Jakarta, Tổng thống Joko Widodo sẽ là người tiêm mũi đầu tiên, còn việc tiêm chủng ở những khu vực khác sẽ bắt đầu trong hai ngày tiếp theo.

Trước đó, chính phủ nước này cho hay, 1,3 triệu người là nhân viên tuyến đầu chống dịch sẽ được tiêm vaccine đầu tiên do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.