WHO: Đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu chậm lại trên toàn cầu, trừ châu Á

(VOH) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca nhiễm mới và tử vong do đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu giảm tốc trên toàn cầu, trừ các nước thuộc khu vực Đông Nam Á và phía đông Địa Trung Hải.

Cho đến hiện tại, cả thế giới đã ghi nhận hơn 23,65 triệu người nhiễm Covid-19 và 811.895 người đã tử vong.

Trong báo cáo mới nhất về tình hình đại dịch Covid-19, WHO cho biết hiện khu vực châu Mỹ vẫn là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm một nửa trong số những ca nhiễm mới và 62% trong tổng số 39.240 trường hợp tử vong mới trên toàn cầu trong tuần qua.

“Hơn 1,7 triệu ca nhiễm mới Covid-19 và 39.000 trường hợp đã tử vong được báo cáo trên toàn thế giới trong tuần qua, tính đến ngày 23/8. Số liệu này giảm 4% về số ca nhiễm và 12% số ca tử vong so với tuần trước đó”, trích báo cáo của WHO.

WHO cũng chỉ ra rằng, các nước khu vực Đông Nam Á mở rộng - hiện là nơi chịu tác động nặng nề thứ hai của đại dịch - đã có sự gia tăng mạnh số ca nhiễm mới với tỷ lệ 28% và số ca tử vong với tỷ lệ 15%. Trong đó, Ấn Độ và Nepal đang là những nước có tốc độ lây lan nhanh nhất.

WHO: Đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu chậm lại, trừ khu vực Đông Nam Á và Địa Trung Hải
Dịch Covid-19 vãn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Ấn Độ và là mối nguy cho hệ thống y tế nước này. Ảnh: Reuters

Đối với khu vực phía đông Địa Trung Hải, số ca nhiễm mới tăng 4%, tuy nhiên số người tử vong đã có sự sụt giảm trong suốt 6 tuần qua - trích báo cáo của WHO. Các nước Lebanon, Tunisia và Jordan là những nước có số ca nhiễm cao nhất so với dữ liệu từ tuần trước đó.

Tại châu Phi, WHO báo cáo số ca nhiễm mới giảm 8% và số ca tử vong cũng ghi nhận mức giảm 11%, trong đó dịch bệnh có dấu hiệu chậm lại rõ nét ở các quốc gia Algeria, Kenya, Ghana, Senegal và Nam Phi.

Đối với nhóm các nước phía đông Thái Bình Dương theo ghi nhận của WHO, số ca nhiễm mới giảm 5%, trong đó tốc độ lây lan dịch bệnh được kiểm soát rõ nét nhất ở các nước Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, quốc gia láng giềng Nhật Bản là Hàn Quốc thì lại có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới lên đến 180% mà theo như điều tra thì “phần lớn số ca nhiễm tăng có liên quan đến các hoạt động tập trung tôn giáo đông người ở nước này”, WHO cho biết.

WHO: Đại dịch Covid-19 đang có dấu hiệu chậm lại, trừ khu vực Đông Nam Á và Địa Trung Hải
Biểu tình phản đối cách xử lý của chính phủ Hàn Quốc trước đại dịch Covid-19 ngày 07/08/2020 tại thủ đô Seoul. Đây là quốc gia có số ca nhiễm mới tăng đến 180% trong vài tuần qua. Ảnh: AP

Ở một số khu vực khác như châu Âu, WHO cho biết châu lục này tuy có sự gia tăng ca nhiễm trong vòng 3 tuần mới đây nhất, tuy nhiên cũng đã dần có dấu hiệu giảm tốc với 1% sụt giảm được ghi nhận, và số ca tử vong cũng trên đà tiếp tục giảm.