Thế giới ghi nhận hơn 145 triệu ca COVID-19, Ấn Độ vỡ trận phòng, chống dịch

(VOH) - Tính đến sáng 24/4, thế giới đã ghi nhận 145,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có hơn 3 triệu ca tử vong.

Với hơn 584.000 ca tử vong trong tổng số 32,6 triệu ca nhiễm, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Tiếp đó là Ấn Độ với hơn 187.000 ca tử vong trong số 16,3 triệu ca bệnh. Đáng lo ngại, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23/4 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 332.730 ca mắc mới COVID-19 và 2.263 ca tử vong. Cả hai con số này đều là những con số ghi nhận theo ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ.

Tình hình lây nhiễm COVID-19 và tử vong tại Ấn Độ đã khiến cả thế giới sửng sốt. Có thông tin nhiều người khá giả phải rời nước ra đi vì lo sợ cho tính mạng dù giá vé máy bay bị đẩy lên gấp 10 lần bình thường.

the-gioi-ghi-nhan-hon-145-trieu-ca-covid-19-an-do-vo-tran-phong-chong-dich-voh.com.vn-anh1
Điểm thiêu xác bệnh nhân COVID-19 tại thủ đô New Delhi, ngày 23/4. Các phương tiện truyền thông mô tả xác người chết vì COVID-19 được nhìn thấy khắp nơi ở thủ đô New Delhi, nơi được ghi nhận trung bình 5 phút có 1 ca tử vong. Ảnh: Reuters

Nhưng đáng lo ngại là ở Mỹ đang xuất hiện tình trạng thừa vaccine nhưng thiếu người đi tiêm. Nhiều người dân hoài nghi về hiệu quả và tác dụng của các loại vaccine COVID-19. Tuần qua, mỗi ngày Mỹ tiêm thêm 2,9 triệu liều, con số này thấp hơn mức trên 3 triệu liều so với 2 tuần trước đó. Các cố vấn tại Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch của Mỹ (CDC) cũng vừa bỏ phiếu đề xuất sử dụng trở lại vaccine ngừa COVID-19 Johnson & Johnson. Các thành viên trong ban cố vấn của CDC đã thống nhất rằng, lợi ích mà vaccine Johnson & Johnson mang lại lớn hơn rất nhiều so với nguy cơ phát triển cục máu đông rất hiếm gặp ở người tiêm loại vaccine này.

Dịch bệnh gia tăng khiến nhiều nước trên thế giới, trong đó có Australia, Canada, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Singapore, Indonesia, siết chặt các biện pháp, trong đó có hạn chế và đình chỉ các chuyến bay đến và đi từ Ấn Độ, cũng như không cho phép nhập cảnh hoặc quá cảnh đối với những người đã đến quốc gia Nam Á này trong vòng 14 ngày.

Không chỉ Ấn Độ, dịch bệnh tại nhiều nước Đông Nam Á cũng đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm mới tại nhiều nước lên mức cao nhất từ trước tới nay. Trong 24 giờ qua, Campuchia đã ghi nhận thêm 655 ca lây nhiễm mới - mức cao nhất từ trước tới nay. Trong số này, có 1 ca "nhập cảnh", còn lại là lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 8.848 người, trong đó 8.301 ca liên quan tới sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2. Tổng số ca tử vong do COVID-19 là 61 người.

Cùng ngày, Ban Chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng, chống COVID-19 xác nhận có thêm 65 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tất cả đều là lây nhiễm cộng đồng, bao gồm 60 ca ở thủ đô Vientiane, 2 ca ở tỉnh Champasak, 2 ca ở tỉnh Bokeo và 1 ca ở tỉnh Vientiane. Đây là mức tăng trong ngày cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Lào. Tính tới thời điểm hiện tại, Lào đã ghi nhận tổng cộng 159 ca mắc COVID-19, không có ca nào tử vong. Tuy nhiên, chỉ trong hơn 20 ngày đầu tháng 4, thủ đô Vientiane đã có tới hơn 90 ca lây nhiễm trong cộng đồng, cho thấy tình hình COVID-19 tại Lào đang ở giai đoạn rất căng thẳng, đặc biệt là trong những ngày tới.

Trong khi đó, giới chức Thái Lan vừa đưa ra cảnh báo rằng nếu số ca mắc mới COVID-19 theo ngày tiếp tục ở mức 1.500 ca/ngày thì tất cả các giường chăm sóc tích cực (IUC) ở thủ đô Bangkok sẽ kín bệnh nhân trong vòng 1 tuần và trên toàn quốc trong vòng 19 ngày. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh ngày 23/4, Thái Lan ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao kỷ lục, với 2.070 ca, đưa tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này tính đến hiện tại là 50.183 ca, trong đó có 121 người không qua khỏi.

Tại Nhật Bản, chính phủ nước này đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây gồm: Osaka, Kyoto và Hyogo. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch COVID-19 ở 4 tỉnh, thành này.

Thủ hiến bang Tây Australia Mark McGowan thông báo quyết định phong tỏa 3 ngày tại thành phố Perth, thủ phủ của bang, và khu vực phía Nam thành phố từ nửa đêm 23/4 sau khi phát hiện 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà từ 18h ngày 23/4. Các sự kiện kỷ niệm ngày lễ Anzac sẽ bị hủy bỏ ở bang Tây Australia.

Vào đêm 23/4, chính quyền Phnom Penh thông báo đóng cửa tất cả các khu chợ do nhà nước điều hành và chợ dân sinh (chợ cóc) tại thủ đô trong vòng 14 ngày. Chỉ đạo mới của chính quyền Phnom Penh được đưa ra nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch COVID-19 tiếp tục lây lan trên diện rộng vì các khu chợ này được xác định là nguồn lây nhiễm lớn cho cộng đồng. Thông báo cũng yêu cầu tất cả các tiểu thương và nhân viên bảo vệ có mặt tại các chợ trên từ ngày 14/4 đến nay phải đi xét nghiệm COVID-19.

Trong một diễn biến liên quan, khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 1 năm thành lập cơ chế chia sẻ vaccine COVAX ngày 23/4, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom cho rằng, vẫn còn tình trạng bất bình đẳng về quyền tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19. Ông tiếp tục nêu quan điểm các nước giàu nên có trách nhiệm chia sẻ với nước nghèo hơn vì chỉ có như vậy đại dịch mới sớm kết thúc.

COVAX, sáng kiến của WHO và liên minh GAVI, đã chuyển được 40,5 triệu liều vaccine các loại đến 118 quốc gia cho đến nay, đặt mục tiêu sẽ cung cấp 2 tỉ liều vaccine giá phải chăng đến cuối năm 2021.

Bình luận