Chờ...

Thủ tướng Modi và kế hoạch đồng nhất kinh tế - xã hội ở Ấn Độ

VOH - Từ khi lên cầm quyền năm 2014, đảng BJP của Thủ tướng Modi đã nỗ lực thống nhất kinh tế - xã hội Ấn Độ. Xu hướng trên có thể tiếp tục được đẩy mạnh sau hội nghị G20.

Năm 2016, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra 1 quyết định táo bạo, là thay đổi tờ tiền mệnh giá 500 và 1.000 rupee, vốn chiếm tới 86% giá trị tiền tệ lưu hành. Quyết định được đưa ra nhanh tới mức, mọi người đều sững sờ.

Sau khi hội nghị G20 kết thúc vào đầu tháng 9, Thủ tướng Modi thông báo sẽ triệu tập 1 hội nghị đặc biệt của chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, những quyết định lớn có thể sắp được đưa ra.

Thủ tướng Modi chọn danh xưng “Bharat” để gọi Ấn Độ tại hội nghị G20 - Ảnh: CNN
Thủ tướng Modi chọn danh xưng “Bharat” để gọi Ấn Độ tại hội nghị G20 - Ảnh: CNN

Tại hội nghị G20, Thủ tướng Modi – thành viên đảng BJP theo chủ nghĩa dân tộc Hindu, quyết định không dùng chữ “India” mà đổi tên nước thành “Bharat”. Ông sử dụng danh xưng này xuyên suốt, khi ngồi với các lãnh đạo nước ngoài.

Không loại trừ khả năng, trong cuộc họp chính phủ sắp tới, Thủ tướng Modi sẽ chính thức thông báo đổi tên quốc gia. Ngoài ra, có thể ông sẽ công bố thay đổi thời gian bầu cử ở cấp liên bang lẫn tiểu bang. Các cuộc bầu cử từ nay sẽ diễn ra cùng 1 thời điểm, và mỗi 5 năm 1 lần. Điều này giúp tiết kiệm tiền bạc và chi phí tổ chức.

Cả 2 suy đoán trên nếu thành hiện thực, sẽ phục vụ mục đích lớn mà thủ tướng Modi và BJP theo đuổi từ lâu, là cố gắng tập trung hóa và đồng nhất hóa Ấn Độ - quốc gia rộng lớn cũng như vô cùng đa dạng về sắc tộc lẫn tôn giáo.

1/ Kế hoạch đồng nhất kinh tế xã hội của đảng BJP

Ấn Độ là quốc gia lớn nhất trên tiểu lục địa Nam Á, với diện tích gần 3,3 triệu km vuông. Nước này có khoảng 1,4 tỷ dân, với hàng trăm dân tộc, ngôn ngữ và tôn giáo khác nhau.

Từ khi lên cầm quyền năm 2014, BJP cố gắng đưa Ấn Độ theo mô hình hợp nhất như của liên minh châu Âu. Tầm nhìn này liên quan đến việc củng cố chính quyền trung ương, và thúc đẩy bản sắc dân tộc theo đạo Hindu.

Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh, Ấn Độ là 1 quốc gia, nên phải có sự hợp nhất trong nhiều vấn đề. Ví dụ chính phủ đã thực hiện chính sách “1 quốc gia, 1 đồng phục”, để thống nhất quần áo của lực lượng cảnh sát trên toàn quốc, chứ không để mỗi bang mỗi khác như trước. Giờ đây, chính phủ muốn cả nước có 1 cuộc bầu cử chung, ngăn tình trạng mỗi bang quy định 1 thời gian khác nhau.

Về kinh tế, chính sách tập trung của chính phủ hầu hết được hoan nghênh. Năm 2017, Thủ tướng Modi đưa ra chiến lược “1 quốc gia, 1 hệ thống thuế”, nhằm tăng cường sự liên kết của thị trường nội địa. Theo nhiều cuộc thăm dò, trong năm tài chính 2020 – 2021, tức 4 năm sau khi áp dụng, giá trị thương mại giữa các tiểu bang đã tăng tới 44%. Điều này do nền kinh tế giữa các địa phương có sự hội nhập sâu sắc hơn.

Hiện nay, chính phủ đang ráo riết xây dựng đường cao tốc, sân bay và đường sắt, để gắn kết người dân Ấn Độ lại gần nhau.

Thời gian qua, các chính sách thanh toán bằng hệ thống kỹ thuật số đã giải quyết được vấn đề đau đầu, khi nhiều người muốn du lịch ra khỏi bang của mình nhưng không mang theo tiền mặt. Các doanh nghiệp hoạt động cùng lúc tại nhiều bang, cũng ngày càng thấy dễ dàng hơn.

2/ Vẫn còn rào cản trong quá trình đồng nhất

Bước đầu, chính sách đồng nhất kinh tế - xã hội của Chính phủ Ấn Độ, đang có 1 số hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng gặp không ít vấn đề.

Thứ nhất là sự rạn nứt trong quan hệ giữa một số bang.

Miền Nam Ấn Độ tập trung nhiều bang giàu có, với công nghiệp phát triển. Miền Bắc thì nghèo hơn, chủ yếu là nông nghiệp.

Miền Nam gồm 5 bang, là Andra Pradesh, Karnataka, Kerala, Tamil Nadu và Telangana. Miền Bắc là nơi có 2 bang nghèo nhất: Uttar Pradesh và Bihar.

Miền Nam giàu hơn, y tế tốt hơn, giáo dục tốt hơn, bình đẳng nam - nữ hơn, ít chế độ đẳng cấp và ít người dân tộc Dalit hơn.

Trong cuộc điều tra dân số năm 2011, Uttar Pradesh và Bihar chiếm 25% người nghèo toàn quốc, so với khoảng 21% ở miền Nam. Khoảng cách đã tăng lên. Năm 2022, tức gần 8 năm sau khi đảng BJP của Thủ tướng Modi lên cầm quyền, Bihar và Uttar Pradesh chiếm 26% người nghèo toàn quốc, trong khi miền Nam giảm còn 19,5%.

Hiện nay GDP đầu người các bang miền Nam cao gấp 4,2 lần so với Uttar Pradesh và Bihar, tăng từ mức 3,3 lần trong giai đoạn 2011-2012. Các bang miền Nam cũng đóng góp tới 25% thuế cho ngân sách quốc gia, so với chỉ 3% từ Uttar Pradesh và Bihar.

Chính trị ngày nay cũng đang chia rẽ hơn, giữa miền Nam và miền Bắc. Hiện tại, không có bang nào ở miền Nam do đảng BJP lãnh đạo. Chính phủ của đảng BJP được coi là chính phủ của miền Bắc, vì ưu tiên tiếng Hindi.

Karnataka là bang miền Nam duy nhất đảng BJP có nhiều ghế tại cơ quan lập pháp. Trong cuộc bầu cử đầu năm nay, đảng BJP thất bại nặng nề.

Sự khác biệt đang gây ra căng thẳng trong ít nhất 3 lĩnh vực: Tài chính, văn hóa và phân chia quyền lực.

Thứ nhất là văn hóa. Các bang miền Nam từ lâu đã không hài lòng với việc bị áp đặt văn hóa và ngôn ngữ từ miền Bắc.

Năm 2019, Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah nói rằng, nếu có 1 ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, giúp đoàn kết đất nước, thì đó là tiếng Hindi. Ngay lập tức các bang miền Nam nổ ra biểu tình. Nhiều đồng minh trong BJP của ông Amit Shah, đã tự tách bản thân với phát biểu trên, cho rằng nó phản ánh ý kiến 1 cá nhân riêng biệt.

Các chính trị gia miền Nam nói rằng, ngôn ngữ và văn hóa của họ, thể hiện sự ủng hộ công bằng xã hội, bình đẳng nam-nữ và giải phóng người dân khỏi quan điểm đẳng cấp vốn tồn tại từ thời phong kiến cổ xưa.

Về tài chính và kinh tế, bất đồng cũng có dấu hiệu gia tăng. Nhiều bang phàn nàn rằng, ngân sách địa phương phải chi gần như toàn bộ cho giáo dục và y tế, là không hợp lý. Năm 2021 – 2022, chi tiêu của các bang chiếm tới 64% chi tiêu công của Ấn Độ, nhưng nguồn thu của họ lại chỉ chiếm 38%. Điều này khiến các bang phụ thuộc nhiều hơn vào ngân sách trung ương.

Số tiền mỗi bang nhận được, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như quy mô dân số và sức khỏe của nền kinh tế. Các bang ở miền Nam than phiền, họ đóng góp quá nhiều, nhưng nhận lại quá ít. Điều này khiến chia rẽ và phân hóa kinh tế ngày càng rõ rệt.

Thứ 3 là vấn đề chia sẻ quyền lực. Hiến pháp Ấn Độ quy định, số lượng đại diện từ mỗi bang trong nghị viện, tùy thuộc vào quy mô dân số của bang đó. Từ năm 1976, sự phân chia này vẫn giữ nguyên, mặc dù tình hình dân số đã biến động.

Năm 2002, chính phủ Ấn Độ nói sẽ xem xét lại cách phân chia vào năm 2026, trong khi từ những năm 1970 tới nay, các bang ở miền Nam dân số giảm khoảng 5%, trong khi Uttar Pradesh và Bihar lại tăng 3%.

Dựa vào cuộc điều tra dân số năm 2011, có ý kiến cho rằng, số ghế của các bang miền Nam nên bớt đi 18, trong khi đại diện cho Bihar nên tăng thêm. Nhiều người đã so sánh, 1 nghị sỹ ở Uttar Pradesh đại diện cho 3 triệu cư dân, trong khi 1 nghị sỹ ở Tamil Nadu chỉ đại diện cho 1,8 triệu.

Một số tiếng nói cảnh báo, nếu không quyết liệt cải cách, ví dụ phân bổ lại số ghế trong nghị viện, đến thế hệ kế tiếp, Ấn Độ sẽ kết thúc thời kỳ thống nhất như 1 quốc gia liên bang đơn chính phủ.

Tháng 5/2023, Ấn Độ khánh thành tòa nhà quốc hội mới, có sức chứa 888 nghị sỹ. Một số quan chức cho rằng, Thủ tướng Modi sẽ sớm cải cách, như phân bộ lại các ghế ở mỗi bang theo hướng công bằng hơn.

Ý tưởng mọi cuộc bầu cử ở địa phương lẫn trung ương, nên tổ chức trong cùng 1 thời điểm, cũng khiến nhiều người lo ngại. Một số ý kiến chỉ trích, nó chỉ giúp củng cố lợi thế cho đảng cầm quyền, so với các đảng nhỏ hơn ở mỗi khu vực, nhất là tại miền Nam. Các đảng này phải gồng mình chạy đua cho 2 cuộc bầu cử cùng lúc, cấp liên bang lẫn tiểu bang, vì thế sẽ trở nên yếu hơn.

Về phần mình, BJP giải thích, mỗi bang tổ chức bầu cử mỗi thời điểm khác nhau, sẽ gây lãng phí lớn. Không những vậy, còn ảnh hưởng tới dịch vụ công quyền, do các chính trị gia phải dành thời gian đi vận động nhiều hơn. Bầu cử đồng thời, giúp tận dụng tài nguyên và thời gian tốt hơn, tiết kiệm tiền hơn và tăng năng lực quản trị của chính quyền các cấp.

Hiện nay những tranh cãi về vấn đề này vẫn tiếp diễn, gây chia rẽ giữa chính quyền trung ương với địa phương, giữa miền Bắc với miền Nam.

Từ khi cầm quyền 9 năm trước, Thủ tướng Modi và đảng BJP đã hoàn thành nhiều nghị sự quan trọng. Ví dụ từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao vị thế của đất nước, hủy bỏ cơ chế đặc biệt của bang Jammu Kashmir, sau đó xây dựng 1 chính quyền mới tại đó.

Phiên họp bất thường của chính phủ vào những ngày tới, không loại trừ khả năng sẽ có thông báo về thay đổi tên nước, hoặc 1 điều gì đó lớn lao tương tự.

Theo 1 số nhà quan sát, dù kế hoạch là gì, thì Thủ tướng Modi và đảng BJP cũng nên hết sức thận trọng, để đất nước không chia rẽ về kinh tế - xã hội thêm nữa.