Chờ...

Thủ tướng Nhật sắp từ chức để lại nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

VOH - Việc Thủ tướng Fumio Kishida từ chức vào tháng 9 tới, đang để lại nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, liên quan đến ít nhất 4 vấn đề.

Ba trong số 4 vấn đề là tăng chi tiêu quốc phòng, thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh và chuyển đổi xanh, đã được đưa vào luật hoặc nội các phê duyệt.

c_Kishida
Thủ tướng Kishida sắp từ chức vào tháng 9 - Ảnh: Japan Times

Tất cả đều đòi hỏi ngân sách chi tiêu lớn, nên bất kỳ ai kế nhiệm ông Kishida được cho là đều cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Sự không chắc chắn như vậy, cũng là tình trạng của chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chip nội địa.

Một quan chức bộ tài chính Nhật nói: “Thật hiếm có chính quyền nào chi tiêu nhiều như dưới thời Thủ tướng Kishida, lại không cần tăng thêm thuế.”

Ông này dẫn chứng trong quá khứ, Nhật Bản mở rộng chương trình mẫu giáo miễn phí dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe, song song với tăng thuế tiêu dùng để bù đắp.

Các sáng kiến ​​về chi tiêu quốc phòng, tăng tỷ lệ sinh và xanh hóa nền kinh tế của Thủ tướng Kishida, đòi hỏi ngân sách lớn trong nhiều năm sau. Nhưng hiện nay chưa có lộ trình rõ ràng để thực hiện, cũng như gặp sự phản đối của công chúng.

Tăng ngân sách quốc phòng đòi hỏi 14,6 nghìn tỷ yên (tương đương 99,1 tỷ USD) bổ sung trong 5 năm tính đến 2027.

Để bổ sung, chính phủ dự kiến kêu gọi hơn 5 nghìn tỷ yên doanh thu phi thuế, 3,5 nghìn tỷ yên từ thặng dư ngân sách và hơn 3 nghìn tỷ yên từ các khoản cắt giảm chi phí. Phần còn lại đến từ thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp và thuế thuốc lá cao hơn.

Tăng thuế dự kiến ​​sẽ mang lại hơn 1 nghìn tỷ yên mỗi năm, nhưng chính phủ vẫn chưa ấn định ngày bắt đầu.

Doanh thu từ thuế đạt mức cao kỷ lục lần thứ tư liên tiếp trong năm tài chính trước, khiến một số thành viên đảng cầm quyền khuyến nghị hoãn tăng thuế để giữ sức sống cho nền kinh tế. Một số nhà phân tích cũng nhận thấy, bê bối gần đây trong Bộ Quốc phòng và Lực lượng Phòng vệ, cũng góp phần vào sự chậm trễ tăng thuế.

Nhật Bản đã phân bổ 3,6 nghìn tỷ yên chi tiêu hàng năm, cho nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, như tặng tiền mặt và mở rộng dịch vụ giáo dục miễn phí. Khoảng 1 nghìn tỷ yên trong số này, được dùng tài trợ bảo hiểm y tế.

Thủ tướng Kishida lập luận rằng, từ nay đến năm 2030 là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản đảo ngược tỷ lệ sinh đang giảm.

Chính phủ có ý định vắt kiệt thêm 1,1 nghìn tỷ yên, thông qua cải cách chi tiêu an sinh xã hội, nhưng điều này vấp phải phản ứng tiêu cực từ công chúng, vì sẽ khiến chi phí chăm sóc y tế và điều dưỡng đắt hơn. Một kế hoạch tăng phí chăm sóc điều dưỡng đã bị hoãn vào năm ngoái, do liên minh cầm quyền phản đối.

Tháng 5/2023, Nhật Bản thông qua sáng kiến chuyển đổi xanh, nhằm đạt được mức phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2050. Chính phủ sẽ phát hành 20 nghìn tỷ yên trái phiếu chuyển đổi xanh trong 10 năm tới. Đây là 1 phần của khoản hỗ trợ ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch từ năm 2028. Tuy vậy, chi tiết cụ thể vẫn chưa được hoàn thiện.

Sự hỗ trợ cho ngành công nghiệp chip nội địa, cũng đặt ra yêu cầu lớn về tài chính, nhằm giúp các công ty như Rapidus có đủ nguồn lực về con người lẫn vật chất, để tăng tốc sản xuất chip cũng như bắt kịp công nghệ tiên tiến.

Ngoài ra, động thái gần đây của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, nhằm thắt chặt chính sách tiền tệ, đã đẩy lãi suất dài hạn lên cao, buộc chính phủ phải chi nhiều hơn để trả nợ, có khả năng làm tăng gánh nặng cho người kế nhiệm ông Kishida.