Thương chiến Mỹ - Trung có bước leo thang nguy hiểm, các nước dự G7 nói gì?

(VOH) - Các lệnh đánh thuế "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và Trung Quốc vừa qua cho thấy cuộc chiến thương mại đang leo thang và khó có khả năng hạ nhiệt.

Tăng nhiệt thương chiến Mỹ - Trung

Trong một loạt tweet viết chiều 23/8, ông Trump nói thuế 25% với 250 tỷ USD hàng Trung Quốc hiện hành sẽ tăng lên 30% kể từ 1/10. Mức thuế dự kiến 10% với 300 tỷ USD hàng Trung Quốc khác sẽ tăng lên 15%. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố nâng mức thuế từ 5-10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/9) để trả đũa đợt tăng thuế trước đó của Washington.

Đáp lại, ngày 24/8, trên tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã cho đăng tải một bài xã luận với giọng điệu gay gắt tuyên bố Bắc Kinh "sẽ chiến đấu tới cùng", và gọi các biện pháp thuế quan mới của Mỹ là "man rợ".

Trong khi đó, China Daily, một tờ báo chính thống tiếng Anh của Trung Quốc, tuyên bố Bắc Kinh sẽ "chiến đấu để bảo vệ lợi ích cốt lõi và lợi ích quốc gia". Tờ này cáo buộc Mỹ đang tiến hành chính sách "beggar-thy-neighbor", tức mong muốn giải quyết các vấn đề kinh tế của Mỹ bằng cách làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của nước khác.

"Cho tới khi nào Washington tuân thủ đồng thuận Osaka, sẽ không có thỏa thuận nào giữa hai nước", China Daily khẳng định.

Cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang chưa hồi kết - Ảnh: REUTERS

G7 giúp thương chiến hạ nhiệt?

Những căng thẳng leo thang giữa hai bên đã khiến một số nước lo ngại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/8 đã lên tiếng kêu gọi xuống thang thương chiến, nhấn mạnh đây là cuộc chiến mà tất cả các bên đều thiệt hại. 

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, quan ngại rằng "nếu ông Trump đang sử dụng thuế quan cho mục đích chính trị, đó sẽ là một nguy cơ cho cả thế giới và châu Âu".

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm nhiệt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

"Tôi muốn thấy một ngành thương mại mở trên toàn cầu, tôi muốn thấy tình hình căng thẳng lắng dịu, và tôi muốn thấy các khoản thuế quan (bổ sung) bị tháo gỡ", ông Johnson nói hôm 24-8 trước khi dự sự kiện G7.

Tổng thống Donald Trump hiện đã tới Biarritz của Pháp nằm bên bờ Đại Tây Dương cho hội nghị thượng đỉnh 3 ngày của nhóm G7. Liệu ông Trump sẽ hạ giọng và ký một thỏa thuận với Bắc Kinh - quay lưng lại với cuộc chiến thương mại do chính ông phát động mà không đạt được mục tiêu?

Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G7: (VOH) - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và An ninh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã khai mạc tại thành phố Biarritz miền Nam nước Pháp.

 

Bình luận