Nam Phi cáo buộc Israel "diệt chủng" ở Dải Gaza
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) ở The Hague (Hà Lan) ngày 11/1 bắt đầu phiên điều trần đầu tiên sau khi Nam Phi đệ đơn kiện Israel với cáo buộc phạm tội "diệt chủng" chống lại người Palestine ở Dải Gaza.
Nam Phi cho rằng Israel đã vi phạm luật pháp quốc tế khi thực hiện và không ngăn chặn các hành động "nhằm tiêu diệt người Palestine tại Gaza". ", Đại diện Tòa án Tối cao Nam Phi, ông Tembeka Ngcukaitobi, phát biểu tại phiên điều trần: "Ý định hủy diệt Gaza được dung dưỡng ở cấp cao nhất của nhà nước Israel."
Israel sẽ trình bày trước ICJ vào ngày 12/1. Nước này bác bỏ cáo buộc của Nam Phi, nhưng theo giới quan sát, vụ kiện tại ICJ sẽ làm tăng thêm áp lực quốc tế lên Tel Aviv nhằm thu hẹp quy mô hoặc chấm dứt chiến dịch tấn công mà họ đang tiến hành ở Gaza.
Thêm một vụ nổ ở thủ đô Kabul, 14 người thương vong
Ngày 11/1, người phát ngôn cảnh sát thủ đô Kabul của Afghanistan, ông Khalid Zadran, cho biết một vụ nổ đã xảy ra bên ngoài một trung tâm thương mại ở khu vực Dasht-e-Barchi, nằm phía tây Kabul.
Vụ việc khiến 2 người thiệt mạng và 12 người bị thương. Đây là vụ nổ thứ ba tại thành phố này trong chưa đầy một tuần.
Ngày 6/1 vừa qua, cũng tại Dasht-e-Barchi, một quả bom đã phát nổ trên xe buýt khiến ít nhất 5 người thiệt mạng và 15 người bị thương. Vài ngày sau đó, cảnh sát cho biết đã có 3 người thiệt mạng và 4 người bị thương trong vụ nổ bom ở phía đông thủ đô Kabul. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận đứng sau cả hai vụ tấn công này.
Iran bắt tàu dầu ở Vịnh Oman
Ngày 11/1, Cơ quan Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh (UKMTO) cho biết tàu chở dầu St Nikolas gắn cờ Quần đảo Marshall đã bị tấn công khi đang ở gần thành phố Sohar của Oman, và hệ thống nhận dạng AIS của tàu đã bị tắt khi con tàu hướng tới cảng Bandar-e-Jask của Iran.
Phía Iran sau đó xác nhận đã bắt một tàu dầu theo lệnh của tòa án nước này, và nói rằng đó là phương tiện của Mỹ. Hiện chưa rõ vì sao Iran nói đây là tàu Mỹ, song động thái bắt tàu của Tehran dường như nhằm đáp trả Washington.
Trong chiến dịch thực thi lệnh trừng phạt đối với Iran năm ngoái, Mỹ cũng bắt tàu dầu St Nikolas vì cáo buộc chở dầu lậu Iran, khi nó đang chở 980.000 thùng dầu thô dưới cái tên Suez Rajan.
Morocco được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 2024
Đại sứ phái đoàn Morocco tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở Geneva (Thụy Sĩ), ông Omar Zniber đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này trong năm 2024.
Năm nay đến lượt châu Phi đảm nhận chức chủ tịch cơ quan nhân quyền hàng đầu của LHQ, nhưng các quốc gia châu Phi không thể thống nhất được một ứng cử viên duy nhất trong số 13 thành viên hội đồng nên phải tiến hành tổ chức bỏ phiếu kín. Kết quả ông Zniber đã giành được 30 phiếu bầu, vượt qua Đại sứ Nam Phi Mxolisi Nkosi, người nhận được 17 phiếu.
Trong tuyên bố sau phiên bỏ phiếu kín, Đại sứ Morocco nhấn mạnh công việc của Hội đồng Nhân quyền "rất quan trọng và cơ bản, đó là thúc đẩy, tôn trọng và đảm bảo các quyền con người đã được công nhận trên toàn cầu".