IMF cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa đưa ra cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và sự bất ổn của thị trường tài chính, được là hệ quả của chuỗi tác động gồm lạm phát, khủng hoảng lương thực và năng lượng do chiến tranh và lãi suất tăng cao.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng cho năm 2023, đồng thời nhận định 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm sau. IMF cũng đưa ra dự đoán mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ sụt giảm còn 2,7% - thấp hơn so với mức dự báo trước đó (công bố vào tháng 7) là 2,9%.
Đối với năm 2022, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng ở mức 3,2% - với nhiều tín hiệu khả quan hơn ở châu Âu so với Mỹ.
Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu, IMF cho rằng, các áp lực kinh tế ngày càng gia tăng, cùng với việc thắt chặt thanh khoản, lạm phát tăng cao và các rủi ro tài chính kéo dài - tất cả đã làm tăng rủi ro đối với việc định giá tài sản và làm mất ổn định thị trường tài chính. Theo IMF, tỉ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.
Ngoại trưởng Nga khẳng định sẵn sàng đối thoại với phương Tây
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước, Ngoại trưởng Sergei Lavrov khẳng định nước Nga luôn sẵn sàng phối hợp với Mỹ hoặc Thổ Nhĩ Kỳ tìm hướng xử lý khủng hoảng và kết thúc chiến sự ở Ukraine, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được lời đề nghị nghiêm túc.
Vị Ngoại trưởng cũng cho biết, Nga sẽ không khước từ cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Biden trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Indonesia vào tháng 11 tới đây, đồng thời sẽ cân nhắc về đề xuất đàm phán nếu nhận được lời đề nghị thích hợp.
Phát biểu của ông Lavrov được đưa ra trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang với những diễn biến mới đáng lo ngại.
Mỹ: Ngộ độc khí CO, 32 người bao gồm trẻ em phải nhập viện cấp cứu
Ngày 11/10, một vụ rò rỉ khí CO (carbon monoxide) đã xảy ra tại một cơ sở giữ trẻ ở bang Pennsylvania, Mỹ. Sự việc khiến 32 người, bao gồm cả trẻ em, bị ngộ độc và phải nhập viện cấp cứu.
Hiện tất cả nạn nhân đều đã qua cơn nguy hiểm và trong tình trạng sức khỏe ổn định. Ngoài ra, còn có 25 trẻ nhỏ và nhân viên khác của trung tâm Happy Smiles được sơ cứu ngay tại hiện trường. Nguyên nhân của vụ rò rỉ khí CO vẫn đang được tiến hành điều tra.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC), mỗi năm nước này ghi nhận đến hơn 400 trường hợp tử vong không chủ ý vì nguyên nhân ngộ độc khí CO. Khí CO - carbon monoxide là chất khí không màu, không mùi, không vị. Việc hít phải quá nhiều khí CO có thể làm giảm khả năng hấp thụ oxy, gây tổn thương mô nghiêm trọng và có khả năng gây tử vong.
Hy Lạp xây tuyến cáp điện hơn 1.300km dưới biển
Hy Lạp đang chuẩn bị triển khai một trong những dự án năng lượng tham vọng nhất của châu Âu bằng cách thiết lập mạng lưới điện kết nối với Ai Cập trị giá 3,5 tỷ euro.
Theo kế hoạch, một tuyến cáp điện dưới biển, có tổng chiều dài 1.373km kết nối giữa miền Bắc Ai Cập và khu vực Attica ở Hy Lạp, sẽ được xây dựng để truyền tải 3.000MW điện từ Ai Cập tới Hy Lạp. Lượng điện này đủ đáp ứng nhu cầu của 450.000 hộ gia đình.
Dự án sẽ được tập đoàn Copelouzos Group của Hy Lạp thực hiện. Giám đốc điều hành Copelouzos Group, ông Ioannis Karydas cho biết: “Bằng cách đưa 3.000MW năng lượng sạch đến châu Âu thông qua Hy Lạp, chúng tôi đang giúp châu Âu giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch và khí đốt tự nhiên của Nga. Nguồn năng lượng xanh mà chúng tôi vận chuyển sẽ rẻ hơn nhiều so với giá năng lượng hiện nay. Điều này sẽ có lợi cho cả người tiêu dùng Hy Lạp và châu Âu”.
Hàng trăm cá voi hoa tiêu chết do mắc cạn ở New Zealand
Chính phủ New Zealand cho biết, có khoảng 250 con cá voi hoa tiêu mắc cạn ở đảo Pitt, cách quần đảo Chatham khoảng 40km.
Giáo sư Karen Stockin, nhà sinh thái biển của Đại học Massey, cho rằng những con cá voi này không còn cơ hội sống sót. Theo báo New Zealand Herald, vào ngày 7/10, khoảng 215 con cá voi hoa tiêu đã chết do mắc cạn ở một bãi biển phía Tây Bắc quần đảo Chatham.
Các vụ động vật biển mắc cạn hàng loạt xảy ra khá phổ biến tại quần đảo Chatham nói riêng và New Zealand nói chung. Quốc gia này là nơi xảy ra 2 sự kiện mắc cạn lớn nhất từng được ghi nhận trên thế giới, với khoảng 1.000 con cá voi hoa tiêu chết hàng loạt trên quần đảo Chatham vào năm 1918, và gần 700 con ở bờ biển Farewell Spit vào năm 2017.