NATO: "Tương lai của Ukraine là nằm trong NATO"
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Lithuania, các nước thành viên đã bàn về khả năng gia nhập liên minh của Ukraine, tuyên bố "Tương lai của Ukraine là nằm trong NATO", và thông qua các kế hoạch tăng cường phòng thủ toàn diện nhất từ thời Chiến tranh lạnh đến nay
Các nhà lãnh đạo NATO nhất trí rằng sẽ mời Ukraine gia nhập liên minh quân sự khi nước này đạt được một số điều kiện nhất định, ban hành gói biện pháp mới giúp Ukraine đến gần hơn với NATO, và thống nhất thành lập Hội đồng NATO - Ukraine mới.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết các nước đồng minh đã thông qua các kế hoạch phòng thủ toàn diện trong tất cả lĩnh vực từ không gian, trên mạng, trên bộ, trên biển và trên không.
NATO cũng phê duyệt Kế hoạch hành động sản xuất quốc phòng mới để đẩy nhanh việc mua sắm chung, tăng cường năng lực sản xuất và nâng cao khả năng tương tác của các thành viên NATO.
Nga cảnh báo nguy cơ Thế chiến thứ ba
Trên Telegram, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Medvedev cảnh báo Thế chiến III đang đến gần hơn khi NATO tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Bình luận của ông Medvedev đưa ra cùng ngày Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc ở Lithuania. Ông Medvedev khẳng định nỗ lực viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine không thể ngăn Nga thực hiện mục tiêu ở Ukraine.
Trước đó vào ngày 7/7, Mỹ lần đầu tuyên bố cung cấp Đạn Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM, hay còn gọi là đạn chùm) cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới nhất. Động thái của Mỹ đã vấp phản đối mạnh mẽ Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia đồng minh.
Về phía Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết nước này sẽ phải sử dụng vũ khí "tương tự" nếu Mỹ cung cấp đạn chùm cho Ukraine. Ông Medvedev ngày 11/7 cũng ủng hộ Nga sử dụng đạn chùm, sau khi có báo cáo về việc Ukraine đã dùng vũ khí này.
Cựu chỉ huy tàu ngầm Nga bị bắn tử vong
Ông Stanislav Rzhitsky - quan chức thuộc văn phòng tuyển quân và là cựu phó chỉ huy tàu ngầm của Nga, đã bị bắn chết khi chạy thể dục buổi sáng tại thành phố Krasnodar, miền Nam nước này.
Theo Ủy ban Điều tra Nga, thi thể của ông Rzhitsky, 42 tuổi, được phát hiện sáng 10/7 gần đường Beregovaya với các vết đạn bắn.
Cơ quan điều tra đã xác định được các nghi phạm ám sát ông Rzhitsky. Truyền thông Nga nói rằng nghi phạm có thể đã dùng Strava - một ứng dụng phổ biến với người chạy - để theo dõi ông.
Theo truyền thông Nga và Ukraine, ông Rzhitsky từng chỉ huy một trong các tàu ngầm lớp Kilo thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga. Đây là tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa hành trình Kalibr.
Gia đình ông Rzhitsky cho biết, ông không tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine theo bất cứ hình thức nào. Ông Rzhitsky đã tìm cách rút khỏi lực lượng vũ trang vào cuối năm 2021. Đến tháng 8/2022, ông rời quân đội, sau đó đảm nhận một công việc trong chính quyền thành phố Krasnodar.
Cuba phản đối tàu ngầm hạt nhân Mỹ hiện diện tại căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo
Ngày 11/7, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết họ phản đối mạnh mẽ việc một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Mỹ đã đến căn cứ hải quân Mỹ ở vịnh Guantanamo vào ngày 5/7 và ở lại cho đến ngày 8/7.
Cuba cho rằng đây là động thái "leo thang khiêu khích của Mỹ, với các động cơ chính trị hoặc chiến lược vẫn chưa rõ", đồng thời cảnh báo về "sự nguy hiểm của việc hiện diện và lưu thông các tàu ngầm hạt nhân của lực lượng vũ trang Mỹ ở vùng biển Caribbean gần đó".
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết lập trường của Mỹ là "chúng tôi sẽ tiếp tục bay, điều tàu và di chuyển các khí tài quân sự đến bất cứ nơi nào phù hợp theo luật quốc tế".