Tin thế giới sáng 14/7: Mỹ thâm hụt ngân sách 228 tỷ USD trong tháng 6 | Ukraine đã nhận đạn chùm của Mỹ

VOH - Một số thông tin khác: Mỹ và Hàn Quốc tập trận không quân sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên; Đức lần đầu thông qua chiến lược riêng về Trung Quốc.

Mỹ thâm hụt ngân sách 228 tỷ USD trong tháng 6

Bộ Tài chính Mỹ cho biết chính phủ nước này đã công bố mức thâm hụt ngân sách 228 tỷ USD trong tháng 6 năm nay, tăng 156% so với mức 89 tỷ USD của cùng kỳ năm 2022 do nguồn thu tiếp tục suy yếu và các khoản thanh toán trợ cấp tháng 7 được đẩy nhanh sang tháng 6.

Cụ thể, nguồn thu ngân sách tháng 6 của Mỹ đã giảm 42 tỷ USD, tương đương 9% so với một năm trước, xuống còn 418 tỷ USD; trong khi chi tiêu tháng 6 lại tăng 96 tỷ đô la, tương đương 18%, lên 646 tỷ USD. 

Tháng 3 năm nay, Nhà Trắng thông báo chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chuẩn bị kế hoạch giúp nước này giảm thâm hụt ngân sách gần 3.000 tỷ USD trong 10 năm tới. Mục tiêu này cao hơn rất nhiều so với mức giảm 2.000 tỷ USD được ông Biden nêu trong Thông điệp liên bang công bố hồi tháng 2.

 

Tin thế giới sáng 14/7: Thâm hụt ngân sách tháng 6 của Mỹ 228 tỷ USD | Ukraine đã nhận đạn chùm của Mỹ
Tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ ở Washington, DC - Ảnh: Reuters

 

Mỹ và Hàn Quốc tập trận không quân sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên

Ngày 13/7, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận chung không quân với mục đích mở rộng răn đe kịp thời, trong bối cảnh Triều Tiên vừa phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-18 vào ngày trước đó.

Tham gia cuộc tập trận có tiêm kích F-15K của Hàn Quốc và F-16 cùng máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ. 

Mỹ đã cam kết tăng cường hiện diện thường xuyên các khí tài quân sự chiến lược trên Bán đảo Triều Tiên trong tuyên bố chung được Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 4 tại Washington.

Cùng ngày, ngoại trưởng Nhóm các Nước Công nghiệp Phát triển (G7) cùng đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung chỉ trích vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng không có thêm các động thái gây căng thẳng.

Tin thế giới sáng 14/7: Thâm hụt ngân sách tháng 6 của Mỹ 228 tỷ USD | Ukraine đã nhận đạn chùm của Mỹ
Máy bay chiến đấu của Hàn Quốc và Mỹ trong một cuộc tập trận không quân năm 2022 - Ảnh: Reuters

Ukraine xác nhận đã nhận đạn chùm của Mỹ

Quân đội Ukraine đã nhận đạn chùm của Mỹ, chỉ một tuần sau khi Washington thông báo quyết định gây tranh cãi về loại vũ khí bị cấm tại hơn 100 quốc gia này.

"Chúng tôi mới nhận được chúng (đạn chùm), nhưng chúng tôi chưa sử dụng. Đạn chùm có thể thay đổi hoàn toàn cục diện chiến trường", tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy nhóm chiến thuật - chiến lược Tavria của quân đội Ukraine, trả lời phỏng vấn ngày 13/7.

Ông Tarnavskyi cho biết đây là "vũ khí rất mạnh" và lãnh đạo cấp cao của Ukraine sẽ quyết định "các khu vực có thể sử dụng đạn chùm". Ông nói thêm việc sử dụng đạn chùm bị cấm ở các khu vực đông dân cư, ngay cả những khu vực Nga đang kiểm soát.

Tin thế giới sáng 14/7: Thâm hụt ngân sách tháng 6 của Mỹ 228 tỷ USD | Ukraine đã nhận đạn chùm của Mỹ
Một quả đạn chùm được cho là tháo gỡ từ một tên lửa phóng loạt tầm xa (MSLR) của Nga ở Kharkiv, Ukraine, ngày 21/10/2022 - Ảnh: Reuters

Đức lần đầu thông qua chiến lược riêng về Trung Quốc

Chính phủ Đức ngày 13/7 đã lần đầu tiên thông qua chiến lược riêng đối với Trung Quốc. Nội dung bản chiến lược nêu rõ Đức không muốn tách mình khỏi Trung Quốc, nhưng đồng thời muốn đa dạng hóa thương mại và chuỗi cung ứng nhằm củng cố khả năng phục hồi của mình.

Bản chiến lược nêu rõ, việc tập trung vào một vài hoặc chỉ một quốc gia xuất xứ đối với các sản phẩm sơ cấp, trung gian và cuối cùng có thể dẫn đến sự phụ thuộc ở các lĩnh vực quan trọng.

Tin thế giới sáng 14/7: Thâm hụt ngân sách tháng 6 của Mỹ 228 tỷ USD | Ukraine đã nhận đạn chùm của Mỹ
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) tại lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ở Berlin ngày 19/6/2023 - Ảnh: AFP

Ngoài ra, Đức vẫn sẽ tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự và hợp tác với các đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cảnh báo tình hình tại khu vực Eo biển Đài Loan chỉ có thể thay đổi bằng biện pháp hòa bình và được sự đồng ý của cả hai bên.

Chiến lược của Đức về Trung Quốc được công bố trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực giảm phụ thuộc chiến lược vào Bắc Kinh, điều các nhà hoạch định chính sách gọi là "giảm thiểu rủi ro".

Bình luận