Cựu đại sứ Liên Hiệp Quốc tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ
Cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2024. Bà năm nay 51 tuổi, là ứng viên thứ hai của đảng Cộng hòa tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ tới và sẽ đối đầu với cựu tổng thống Mỹ Donald Trump - người tuyên bố tranh cử hồi tháng 11/2022.
Nếu thành công, bà sẽ là ứng viên nữ đầu tiên, người Mỹ gốc Á đầu tiên đại diện đảng Cộng hòa cạnh tranh với đảng Dân chủ. Bà sẽ công bố kế hoạch vận động tranh cử của mình khi phát biểu tại thành phố Charleston, bang Nam Carolina, vào trưa ngày 15/2 (giờ địa phương).
Cựu đại sứ Mỹ Nikki Haley được đánh giá là một trong những ứng viên Cộng hòa nổi bật nhất, bên cạnh cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo và Thống đốc Florida Ron DeSantis - ngôi sao đang lên trong đảng.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi quỹ hỗ trợ gần 400 triệu USD cho Syria
Có ít nhất 9 triệu người ở Syria bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng xảy ra ngày 6/2 tại đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và cần một quỹ hỗ trợ trị giá 397 triệu USD dành cho các nạn nhân tại quốc gia Trung Đông này.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đưa ra lời kêu gọi từ trụ sở của tổ chức này ở New York ngày 14/2, trong đó nhấn mạnh khoản quỹ trên sẽ giúp cứu sống gần 5 triệu người Syria trong khoảng 3 tháng.
Ông cho biết thêm LHQ đang “trong giai đoạn cuối” để kêu gọi một quỹ tương tự hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi động đất xảy ra, LHQ đã viện trợ 50 triệu USD thông qua quỹ phản ứng khẩn cấp.
Tình hình ở Syria hoàn toàn khác với Thổ Nhĩ Kỳ - nơi đang tiếp nhận các đội cứu hộ, quyên góp và viện trợ từ hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế. Ngược lại, việc vận chuyển hàng tiếp tế khẩn cấp tới các khu vực động đất ở miền Bắc Syria phức tạp hơn do cuộc nội chiến kéo dài giữa các lực lượng đối lập và chính phủ nước này.
Châu Âu thông qua lệnh cấm xe chạy xăng, dầu diesel vào 2035
Ngày 14/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua lệnh cấm bán xe chạy xăng và dầu diesel vào năm 2035. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng đã thông qua lệnh cấm và hiện sẽ chính thức ban hành thành luật.
Những người ủng hộ cho rằng lệnh cấm sẽ đặt ra một thời hạn rõ ràng để các hãng sản xuất ô tô của châu Âu chuyển đổi sản xuất sang xe điện không khí thải.
Điều đó cũng thúc đẩy kế hoạch tham vọng của EU trong việc trở thành một nền kinh tế "trung hòa khí thải" vào năm 2050, khi không phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính.
EU đưa Nga vào danh sách đen về thuế
EU đã thêm Nga vào danh sách đen "thiên đường thuế" - động thái mới nhất trong loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao với Moskva.
Tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/2 cho biết luật thuế năm 2022 của Nga không thể xoa dịu những lo ngại về cách xử lý thiếu minh bạch với các vấn đề thuế của những công ty cổ phần nước ngoài.
Danh sách đen về "thiên đường thuế" được EU lập từ năm 2017, liệt kê các quốc gia, vùng lãnh thổ bị EU đánh giá là "thiếu hợp tác" trong các vấn đề liên quan đến chia sẻ thông tin về thuế, hoặc đánh thuế quá thấp.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ bị đưa vào danh sách "thiên đường thuế" sẽ không đủ điều kiện để nhận bất kỳ hỗ trợ nào từ các quỹ của EU. Các thành viên EU cũng được yêu cầu giám sát đặc biệt với các cá nhân và công ty đã đăng ký thuế ở nước họ.
Cameroon ghi nhận 2 trường hợp nghi nhiễm virus Marburg gây tử vong cao
Chính quyền Cameroon cho biết đã phát hiện 2 trường hợp nghi nhiễm virus Marburg tại xã Olamze tại khu vực biên giới với Guinea Xích Đạo - quốc gia vừa công bố bùng phát các ca bệnh đầu tiên liên quan đến virus Marburg.
Virus Marburg có nguồn gốc từ loài dơi ăn quả và lây lan nhanh chóng giữa người với người thông qua các dịch tiết của cơ thể. Marburg cũng gây chết người nhiều như virus Ebola. Trong các đợt bùng phát trước, tỷ lệ tử vong khi nhiễm virus từ 24% đến 88%, tùy vào các chủng khác nhau và cách xử lý của từng nước.
Cơ thể khi nhiễm virus Marburg sẽ gây ra căn bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cao với các triệu chứng thường gặp như đau đầu, sốt cao, đau mỏi cơ, nôn ra máu và chảy máu không ngừng.