Chờ...

Tin thế giới sáng 2/1: Đã có 5 người chết vì động đất mạnh ở Nhật Bản | Mỹ rút bớt tàu sân bay khỏi Trung Đông

VOH - Một số thông tin khác: Iran điều tàu chiến đến Biển Đỏ; giá gạo tăng cao gây sức ép lạm phát ở các nước châu Á.

Động đất mạnh ở Nhật Bản: Đã có ít nhất 5 người chết

Cảnh sát và giới chức Nhật Bản sáng 2/1 cho biết đã có ít nhất 5 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,6 độ Richter rung chuyển miền trung Nhật Bản vào buổi chiều một ngày trước đó. Thi thể các nạn nhân đã được tìm thấy bên dưới đống đổ nát từ các tòa nhà bị đổ sập. 

Theo Cơ quan Khảo sát Khí tượng Mỹ (USGS), đây là trận động đất mạnh nhất ở khu vực trong vòng hơn 40 năm qua. Nhiều tòa nhà bị phá hủy, mất điện diện rộng ảnh hưởng hàng chục ngàn ngôi nhà, hơn 97.000 cư dân tại 9 khu vực ven biển phía tây đảo Honshu buộc phải sơ tán khẩn cấp. Một sân bay địa phương phải tạm đóng cửa vì đường băng bị nứt vỡ. 

Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ban bố cảnh báo sóng thần sau động đất, và đã ghi nhận các đợt sóng cao khoảng 1 m dọc bờ biển phía tây Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Công tác cứu hộ cứu nạn đang được tiến hành khẩn trương, tuy nhiên đang gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những vùng bị ảnh hưởng nặng nhất do đường sá bị tàn phá nghiêm trọng, theo Thủ tướng Fumio Kishida. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng ra thông cáo cho biết Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản "trong giai đoạn khó khăn này".

Tin thế giới sáng 2/1: Đã có 5 người chết vì động đất mạnh ở Nhật Bản | Mỹ rút bớt tàu sân bay khỏi Trung Đông
Những vết nứt lớn trên mặt đường ở Wajima, tỉnh Ishikawa sau động đất. Ảnh: Kyodo

Iran điều tàu chiến đến Biển Đỏ

Hãng tin Tasnim của Iran ngày 1/1 đưa tin "tàu khu trục Alborz đã tiến vào Biển Đỏ sau khi đi qua eo biển Bab al-Mandeb", nhưng không tiết lộ nhiệm vụ cụ thể, chỉ cho biết "hải quân Iran đã hoạt động tại khu vực này từ năm 2009 để đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, đẩy lùi cướp biển và các mục đích khác". 

Động thái triển khai của tàu Alborz diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Biển Đỏ kể từ khi bùng nổ cuộc chiến giữa Hamas và Israel vào ngày 7/10/2023.

Đầu tháng 12/2023, Mỹ đã thành lập liên minh hải quân đa quốc gia để ứng phó trước một loạt vụ tấn công của phong trào Houthi - lực lượng được Iran hậu thuẫn và chủ yếu hoạt động tại miền bắc Yemen - nhắm vào các tàu hàng quốc tế.

Phía Houthi nói rằng các cuộc tấn công này nhằm thể hiện sự đoàn kết với người Palestine ở Dải Gaza, nơi Israel đang chiến đấu với Hamas.

Tin thế giới sáng 2/1: Đã có 5 người chết vì động đất mạnh ở Nhật Bản | Mỹ rút bớt tàu sân bay khỏi Trung Đông
Tàu Alborz làm nhiệm vụ trên biển, năm 2009 - Ảnh: Shipspotting

Hải quân Mỹ rút bớt tàu sân bay khỏi Trung Đông

Ngày 1/1, Hải quân Mỹ thông báo tàu sân bay Gerald R. Ford của lực lượng này sẽ rút khỏi vùng biển phía đông Địa Trung Hải trở về cảng Norfork, bang Virgina (Mỹ) sau thời gian được triển khai đến khu vực này để răn đe lực lượng thân Hamas liên quan chiến sự Gaza.

Tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân Gerald R. Ford là mẫu tàu sân bay mới nhất và hiện đại nhất của Hải quân Mỹ, có thể chở theo 4.000 quân nhân cùng 8 phi đội máy bay. 

Một quan chức Hải quân Mỹ nhấn mạnh việc rút tàu Gerald Ford đã được lên kế hoạch từ trước, và nói thêm rằng nước này còn rất nhiều lực lượng trong khu vực và có thể thể triển khai thêm khu trục hạm, tuần dương hạm tới Địa Trung Hải và khu vực Trung Đông trong trường hợp cần thiết.

Tin thế giới sáng 2/1: Đã có 5 người chết vì động đất mạnh ở Nhật Bản | Mỹ rút bớt tàu sân bay khỏi Trung Đông
Tàu sân bay hạt nhân USS Gerald R. Ford lớn nhất thế giới của Hải quân Mỹ - Ảnh: Reuters

Giá gạo tăng cao ở châu Á

Theo Nikkei Asia, giá cả nhiều mặt hàng tại các nước châu Á, đặc biệt là giá gạo và các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác, hiện vẫn giữ đà tăng. Điều này làm dấy lên nỗi lo về nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng lương thực vào cuối những năm 2000.

Tại Philippines, tỷ lệ lạm phát trong tháng 11 vừa qua là 4,1%, chủ yếu do giá gạo tăng. 

Tại Ấn Độ, lạm phát trong tháng 11 vẫn ở mức cao 5,6%. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng 3,7%; riêng giá gạo đã tăng 0,5%. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi coi giảm giá gạo là ưu tiên cấp bách hiện nay, đồng thời ưu tiên việc đảm bảo đủ nguồn cung trong nước.

Một trong những nguyên nhân khiến giá gạo "nhảy múa" là do sản lượng thu hoạch giảm liên quan tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan. Ngoài ra, giá gạo trên thị trường quốc tế có xu hướng biến động mạnh do các nước ưu tiên nguồn cung trong nước để đảm bảo an ninh lương thực, chỉ khoảng 10% sản lượng gạo được xuất khẩu trên toàn cầu.