EU thông qua gói viện trợ 54 tỷ USD cho Ukraine
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 1/2 cho biết sau hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), tất cả 27 quốc gia thành viên của khối đã nhất trí về gói viện trợ bổ sung trị giá 54 tỷ USD cho Ukraine, sau nhiều tuần bị gián đoạn vì vấp phải phản đối từ Hungary.
Ông Michel cho hay động thái này "nhằm đảm bảo nguồn tài trợ ổn định và dài hạn" cho Ukraine, đồng thời chứng tỏ rằng "EU đang lãnh đạo và chịu trách nhiệm hỗ trợ Ukraine".
Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh việc EU phê duyệt gói viện trợ sẽ củng cố khả năng ổn định kinh tế và tài chính lâu dài cho Ukraine khi cuộc xung đột với Nga bước sang năm thứ ba.
Đe dọa đánh bom trung tâm thương mại ở Nga, gần 1.000 người sơ tán khẩn cấp
Ngày 1/2, lực lượng chức năng đã phải sơ tán khẩn cấp gần 1.000 người khỏi trung tâm thương mại Okhotny Ryad nằm sát Quảng trường Đỏ ở tâm thủ đô Moscow của Nga do nhận được tin nhắn trung tâm này bị đặt bom từ một cuộc gọi nặc danh.
Lực lượng ứng phó khẩn cấp, bao gồm đội chó nghiệp vụ, đã được đưa tới hiện trường và các công tác kiểm tra đang được tiến hành.
Hiện chưa có thông tin về người bị thương. Các tuyến tàu điện ngầm đến trung tâm thương mại trên cũng đã hoạt động trở lại.
Lãnh đạo Triều Tiên thị sát xưởng đóng tàu chiến
Ngày 2/1, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 2/2 dẫn lời lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un, cho biết: "Tăng cường lực lượng hải quân là vấn đề quan trọng nhất trong việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho xung đột", nhân chuyến thăm của ông đến xưởng đóng tàu quân sự Nampo.
Lãnh đạo Triều Tiên đã được giới thiệu về các chiến hạm phục vụ cho một "kế hoạch khổng lồ" mới mà ông vừa thông qua, hãng thông tấn cho biết song không nêu thêm thông tin chi tiết.
Chuyến thăm xưởng đóng tàu của ông Kim được công bố sau khi Triều Tiên thử nghiệm tên lửa hành trình chiến lược phóng từ tàu ngầm mới hôm 28/1.
Hàng không đình trệ vì đình công quy mô lớn ở Phần Lan
Ngày 1/2, một cuộc đình công quy mô lớn từ lời kêu gọi của Trung tâm nghiệp đoàn Phần Lan (SAK) với khoảng 13.000 người tham gia đã diễn ra ở thủ đô Helsinki của Phần Lan.
Cuộc đình công dự kiến kéo dài 2 ngày và thu hút khoảng 300.000 người tham gia. Nguyên nhân là do người lao động nước này phản đối đề xuất của chính phủ về cải cách lao động, bao gồm cắt giảm trợ cấp và phúc lợi xã hội.
Vụ đình công khiến hoạt động vận tải hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hãng hàng không quốc gia Finnair đã phải hủy 550 chuyến bay, ảnh hưởng đến 60.000 hành khách. Các loại hình vận tải khác gồm xe buýt, tàu điện, tàu điện ngầm ở Helsinki dự kiến cũng sẽ ngừng hoạt động trong ngày 2/2.
Trong khi đó, nhiều nghiệp đoàn của các lĩnh vực khác như năng lượng, giáo dục và chăm sóc y tế đã kêu gọi đình công. Thủ tướng Orpo bày tỏ quan ngại rằng cuộc đình công với quy mô lớn như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động kinh tế đất nước vốn đang trong tình trạng khó khăn.