Tin thế giới sáng 2/6: Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga | Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo

VOH - Một số thông tin khác: Nga bãi bỏ hiệp ước dùng chung biển Azov với Ukraine; Trung Quốc - Ấn Độ trục xuất các nhà báo của nhau.

Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu vũ khí hạt nhân với Nga

Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố từ tháng 6 sẽ ngừng cung cấp cho Nga một số thông báo cần thiết theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) -  trong đó có thông tin về tình trạng hoặc vị trí các tên lửa, bệ phóng.

Phía Mỹ cho biết động thái này nhằm đáp trả "những vi phạm liên tục" của Nga với hiệp ước này. Mỹ cũng sẽ ngừng cung cấp cho Nga thông tin từ xa, tức dữ liệu được thu thập từ xa về hành trình bay của tên lửa, về các vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo tàu ngầm (SLBM) của Mỹ.

New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa hai cường quốc sở hữu nhiều đầu đạn hạt nhân nhất thế giới.

Tháng 2 vừa qua, Tổng thống Nga Putin tuyên bố đình chỉ tham gia New START với cáo buộc Mỹ và phương Tây vi phạm các điều khoản của thỏa thuận, nhưng cam kết vẫn duy trì các nghĩa vụ được quy định trong hiệp ước.

Tin thế giới sáng 2/6: Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga | Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 của Nga là một trong những loại nằm trong giới hạn số lượng theo hiệp ước New START - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-1

Ngày 1/6, Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-1, xác nhận thành công tất cả các thông số hoạt động và kỹ thuật của vũ khí chiến lược này.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ ra tuyên bố cho biết Bộ Tư lệnh Lực lượng Chiến lược (SFC) đã thực hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung nói trên từ đảo Abdul Kalam ở bang miền Đông Odisha.

Tuyên bố nêu rõ: “Tên lửa này là một hệ thống đã được chứng minh, có khả năng tấn công các mục tiêu với độ chính xác rất cao. Lần phóng thử nghiệm người dùng này đã xác nhận thành công tất cả các thông số hoạt động và kỹ thuật của tên lửa.”

Tin thế giới sáng 2/6: Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga | Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo
Ấn Độ xác nhận phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-1 - Ảnh: NDTV

Nga bãi bỏ hiệp ước dùng chung biển Azov với Ukraine

Ngày 1/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin cho rằng hiện nay các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia đã được sáp nhập vào Nga, do đó "Nga phải chấm dứt hiệp ước về sử dụng chung biển Azov và eo biển Kerch vì Ukraine đã mất tư cách quốc gia ven biển đối với những khu vực này".

Theo ông Galuzin, quốc hội Ukraine đã bãi bỏ mọi thỏa thuận hợp tác với Nga liên quan đến biển Azov từ tháng 2 vừa qua. Ông cũng đảm bảo rằng Moscow có cơ sở để chấm dứt một cách hợp pháp thỏa thuận này, dựa trên các điều khoản được quy định trong Công ước Vienna về Luật hiệp ước năm 1969.

Trước đó ngày 24/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình Quốc hội dự luật bãi bỏ hiệp ước nói trên. Nội dung nhấn mạnh vai trò quan trọng của biển Azov và eo biển Kerch đối với phát triển kinh tế Nga - Ukraine, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ khu vực Azov-Kerch như thực thể kinh tế và tự nhiên không thể tách rời.

Tin thế giới sáng 2/6: Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga | Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo
4 tỉnh Ukraine mà Nga sáp nhập và khu vực eo biển Kerch, biển Azov. Đồ họa:YRV/VNE

Trung Quốc - Ấn Độ trục xuất các nhà báo của nhau

Trung Quốc và Ấn Độ đã trục xuất hầu hết các nhà báo của nhau trong thời gian gần đây, theo Wall Street Journal (WSJ). Về việc này, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Bắc Kinh đã thực hiện các hành động cần thiết để đáp trả "sự đối xử bất công của Ấn Độ với các nhà báo Trung Quốc".

Bà Mao nói thêm, cách ứng xử của Trung Quốc với các nhà báo Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của New Delhi đối với các nhà báo Trung Quốc.

Tin thế giới sáng 2/6: Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu hạt nhân với Nga | Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo
Tranh chấp chủ quyền biên giới kéo dài tại khu vực dãy Himalaya là nguyên nhân chính khiến quan hệ Trung - Ấn căng thẳng - Ảnh: AFP

Theo WSJ, Ấn Độ vừa từ chối gia hạn thị thực của 2 nhà báo cuối cùng làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc. Ở phía ngược lại, 3 nhà báo Ấn Độ cũng gặp khó khăn tương tự, trong đó 2 nhà báo không được cấp thị thực để trở lại Trung Quốc, và người còn lại thì bị thu hồi giấy phép.

Hiện Ấn Độ chưa bình luận về thông tin trên.