Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết về ngừng bắn tại Gaza
Ngày 20/2, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) đã nhóm họp và bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết về tình hình xung đột tại Gaza. Kết quả 13 phiếu thuận, 1 phiếu chống của Mỹ và 1 phiếu trắng của Anh. Vì nước ủy viên thường trực HĐBA là Mỹ phản đối nên dự thảo không được thông qua.
Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Linda Thomas-Greenfield, cho biết Mỹ phủ quyết nghị quyết này vì lo ngại nó sẽ đe dọa các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Ai Cập, Israel và Qatar về việc tạm dừng chiến tranh và thả các con tin trong tay Hamas. Bà cũng bác bỏ tuyên bố cho rằng động thái phủ quyết là cố gắng của Mỹ nhằm che chở cho cuộc tấn công dự kiến của Israel vào thành phố Rafah ở cực nam Gaza.
Tân Hoa Xã dẫn lời đại diện Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết nước này bày tỏ "sự thất vọng sâu sắc" trước việc Mỹ ngăn chặn dự thảo nghị quyết trên. "Quyền phủ quyết của Mỹ gửi đi thông điệp sai lầm, đẩy tình hình ở Gaza vào tình thế nguy hiểm hơn", ông Zhang Jun nói.
NATO triển khai 32.000 quân sát biên giới Nga và Belarus
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 20/2 cho biết khoảng 32.000 binh sĩ NATO, hơn 1.000 xe bọc thép, 235 máy bay và trực thăng đã được triển khai gần biên giới nước này và Nga.
Trước đó vào tháng 1, khoảng 90.000 binh sĩ NATO đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự tên Steadfast Defender có quy mô lớn nhất của liên minh này kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Cuộc tập trận được lên kế hoạch rõ ràng để chuẩn bị cho kịch bản xung đột với Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo cuộc tập trận "cố tình nhằm leo thang căng thẳng, tăng nguy cơ xảy ra sự cố quân sự và cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc cho châu Âu".
Phía Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc lên kế hoạch tấn công NATO, và Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Moscow không có lợi ích gì khi làm như vậy. Tuy nhiên, Moscow đã bày tỏ quan ngại trong nhiều thập niên về việc NATO mở rộng tới biên giới của Nga, đặc biệt là nỗ lực của khối này nhằm kết nạp Ukraine.
Mỹ triển khai tuần tra chung với Philippines ở Biển Đông
Lực lượng Không quân Philippines thông báo tiến hành cuộc tuần tra chung với Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ vào ngày 19/2 ở Biển Đông, trên khu vực phía tây của hòn đảo chính của quốc gia Đông Nam Á.
Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của quân đội Trung Quốc đã chỉ trích cuộc tuần tra trên không của Mỹ và Philippines, cáo buộc Philippines phá vỡ trật tự ở Biển Đông bằng cách lôi kéo các nước bên ngoài khu vực. Nước này cũng cho biết sẽ tăng cường cảnh giác cao độ.
Các cuộc tuần tra diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai quốc gia đồng minh là Mỹ và Philippines được tăng cường. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã nối lại mối quan hệ với Mỹ sau khi mối quan hệ này gặp nhiều thử thách dưới thời người tiền nhiệm do Manila xích lại gần Trung Quốc hơn.
Trong khi đó, mối quan hệ Philippines - Trung Quốc đã trở nên xấu đi dưới thời Tổng thống Marcos, với các cuộc đối đầu liên tục giữa các tàu Trung Quốc và Philippines.
Nga chuyển 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí cho châu Phi
Ngày 20/2, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev trong cuộc họp với Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga đã hoàn thành cam kết của Tổng thống Putin về chuyển 200.000 tấn ngũ cốc miễn phí cho 6 nước châu Phi.
Trong đó, Somalia và Cộng hòa Trung Phi (CAR) mỗi nước nhận 50.000 tấn ngũ cốc; còn Mali, Burkina Faso, Zimbabwe và Eritrea mỗi nước nhận 25.000 tấn.
Cam kết của Nga về viện trợ ngũ cốc cho châu Phi đưa ra không lâu sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, vốn tạo điều kiện cho Ukraine và Nga xuất khẩu ngũ cốc cùng các sản phẩm liên quan tới nông nghiệp khác.