Bệnh viện ở Gaza tê liệt, WHO kêu gọi ngừng bắn
Ngày 21/12, ông Richard Peeperkorn, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Dải Gaza, đã một lần nữa kêu gọi lệnh ngừng bắn mới, để mở đường cho các hoạt động viện trợ nhân đạo, cung cấp bổ sung kịp thời vật tư y tế cho các cơ sở y tế, hỗ trợ điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Trước đó, WHO thông báo gần như tất cả bệnh viện ở phía Bắc Dải Gaza không thể hoạt động do thiếu nhiên liệu vận hành máy móc, thiếu nhân viên và vật tư y tế. Ông Peeperkorn cho biết bệnh viện duy nhất trong khu vực còn hoạt động là Al-Ahli nhưng chỉ cầm cự ở mức thấp nhất.
Còn có 3 cơ sở y tế khác cũng đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng là Al-Shifa, Al-Awda và Al- Sahaba. Cả ba cũng đều là nơi trú ngụ của những người dân Gaza khi phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.
Lãnh đạo quân đội Mỹ và Trung Quốc thảo luận trực tuyến
Ngày 21/12, Lầu Năm Góc cho biết Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Charles Q. Brown đã có cuộc điện đàm trực tuyến với Tướng Lưu Chấn Lập - Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp, Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Đây là cuộc thảo luận đầu tiên giữa lãnh đạo quân đội hai nước kể từ khi Tướng Charles Q. Brown đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ sau xác nhận của Thượng viện Mỹ hồi tháng Chín.
Trước đó vào tháng 11, trong cuộc thảo luận bên lề Hội nghị APEC tại San Francisco (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thống nhất cải thiện liên lạc quân sự giữa hai nước - vốn bị cắt đứt từ sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ khi đó là bà Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 8/2022.
Liên minh ứng phó lực lượng Houthi trên Biển Đỏ đã có 20 nước thành viên
Lầu Năm Góc cho biết hơn 20 nước đã gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm ứng phó các vụ tập kích của Houthi ở Biển Đỏ. "Houthi tấn công vào phúc lợi kinh tế và sự thịnh vượng của các quốc gia trên thế giới, trở thành kẻ cướp dọc theo tuyến đường quốc tế là Biển Đỏ", trích phát biểu của ông Patrick Ryder, phát ngôn viên Lầu Năm Góc ngày 21/12.
Theo ông Ryder, hơn 20 quốc gia đã gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu ở khu vực. Liên minh sẽ đóng vai trò "như một đội tuần tra trên Biển Đỏ và Vịnh Aden, hỗ trợ nếu cần cho tàu hàng đi qua tuyến hàng hải quốc tế này".
Trước đó vào ngày 18/12, Mỹ thông báo lập liên minh 10 nước, tên gọi Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng (OPG), để ứng phó các vụ tập kích của Houthi nhằm vào tàu hàng ở Biển Đỏ. Các thành viên ban đầu gồm Mỹ, Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha. Hy Lạp và Australia sau đó thông báo sẽ triển khai nguồn lực để hỗ trợ liên minh.
Angola rời OPEC
Ngày 21/12, Bộ trưởng Tài nguyên và Dầu mỏ Angola, ông Diamantino Azevedocho biết nước này sẽ rời Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do bất đồng về hạn ngạch sản xuất dầu sau quyết định cắt giảm sản lượng.
"Chúng tôi cảm thấy tại thời điểm hiện tại, Angola chẳng thu được gì khi ở lại tổ chức và để bảo vệ lợi ích của mình, chúng tôi quyết định rời đi", tuyên bố của văn phòng Tổng thống Angola dẫn lời ông Azevedo.
Văn phòng Tổng thống Angola cho biết quyết định rời OPEC được đưa ra tại cuộc họp nội các do Tổng thống Joao Lourenco chủ trì tại thủ đô Luanda. Sau cuộc họp, ông Lourenco đã ký sắc lệnh cho phép Angola rời nhóm.
Angola là một trong những nước xuất khẩu dầu lớn nhất ở vùng cận Sahara của châu Phi, cùng với Nigeria, với tổng sản lượng đạt 1,1 triệu thùng dầu/ngày. Cả hai nước đều bày tỏ không hài lòng với hạn ngạch sản xuất tại cuộc họp cấp bộ trưởng của tổ chức OPEC hồi tháng 11, khi họ đang tìm cách đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo nguồn cung ngoại tệ.
Giá dầu thô đã giảm gần 2%, khi giới phân tích cho rằng quyết định rời OPEC của Angola đặt ra câu hỏi về sự đoàn kết của tổ chức này.