Lực lượng Wagner rút khỏi Moscow để "tránh đổ máu"
Trong đoạn video đăng tải vào tối 24/6 (giờ địa phương, tức rạng sáng 25/6 theo giờ Hà Nội), Yevgheny Prigozhin - người đứng đầu tập đoàn quân sự tư nhân Wagner - cho biết lực lượng này đang quay đầu rút khỏi thủ đô Mosow của Nga khi còn cách nơi đây khoảng 200 km, trở về doanh trại theo kế hoạch nhằm tránh việc "máu của người Nga sẽ đổ".
Trước đó, với sự thống nhất cùng Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Belarus Lukashenko đã tiến hành đối thoại với Prigozhin trong suốt ngày 24/6.
Kết quả của nỗ lực hòa giải là các bên đã đồng thuận "không cho phép xảy ra một cuộc chiến đẫm máu trên lãnh thổ Nga. Lãnh đạo Wagner sau đó đã chấp nhận đề nghị từ Tổng thống Lukashenko, lệnh cho thành viên Wagner ngưng mọi hoạt động hành quân trong lãnh thổ Nga và thực hiện những bước giảm leo thang căng thẳng" - văn phòng Tổng thống Belarus cho biết.
Phía Belarus nói rằng "một phương án thuận lợi và có thể chấp nhận được để giải quyết tình hình, với sự đảm bảo an ninh cho các thành viên Wagner" đã được đưa ra, nhưng không nêu chi tiết.
Sập cầu bắc qua sông Yellowstone của Mỹ, nhiều toa tàu rơi xuống nước
Ngày 24/6, một đoàn tàu chở hàng khi đang di chuyển trên cầu bắc qua sông Yellowstone, bang Montana của Mỹ thì bất ngờ cây cầu bị sập, khiến nhiều toa tàu lao xuống nước.
Theo Montana Rail Link - công ty vận hành đoàn tàu - cho biết vụ việc không có thiệt hại về người. Trong số các toa tàu bị rơi xuống nước có nhiều toa chở theo hàng hóa xếp loại nguy hiểm như nhựa đường và lưu huỳnh. Ngoài ra, 2 toa tàu vận chuyển natri hydro sunfat - một loại muối axit - đã không rơi xuống nước và các đánh giá chất lượng không khí ban đầu cho thấy hóa chất này không bị thoát ra ngoài.
Các cơ quan chức năng của bang Montana và liên bang đang phối hợp để xử lý vụ việc, xác định nguyên nhân gây ra vụ sập cầu và trật bánh đoàn tàu. Các nhà máy xử lý nước và các khu công nghiệp tại địa phương cũng đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro thích hợp - văn phòng Cảnh sát trưởng Hạt Yellowstone cho biết.
Hà Lan đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu vào năm sau
Hà Lan cho biết từ ngày 1/10/2024 sẽ đóng cửa vĩnh viễn mỏ khí đốt Groningen ở miền Bắc nước này vì những tác động địa chấn từ việc khoan thăm dò và khai thác mỏ đã vấp phải sự phản đối của người dân suốt 20 năm qua.
Mỏ Groningen là mỏ khí đốt có quy mô lớn nhất châu Âu. Quốc vụ khanh phụ trách khai mỏ của Hà Lan, ông Hans Vijlbrief, nhận định việc đóng cửa mỏ Groningen là quyết định được đưa ra vào "thời điểm quan trọng" sau nhiều thập niên khai thác khí đốt.
Mặc dù việc khai thác khí đốt tại mỏ Groningen gần như đã giảm trong vài năm qua, nhưng chính phủ Hà Lan vẫn duy trì hoạt động của địa điểm này để ứng phó với nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Nắng nóng kỷ lục ở Bắc Kinh kéo dài qua ngày thứ ba liên tiếp
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 24/6 vẫn duy trì cảnh báo thời tiết nóng ở mức "đỏ", mức nghiêm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp của nước này, với nền nhiệt độ tiếp tục vượt ngưỡng 40 độ C trong 3 ngày liên tiếp. Đây là hiện tượng chưa từng ghi nhận kể từ khi thành lập trạm quan trắc ở Bắc Kinh từ năm 1951.
Ngoài Bắc Kinh, một số khu vực lân cận như Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Nội Mông và Thiên Tân đã nâng lên hoặc giữ cảnh báo thời tiết nắng nóng ở mức "đỏ" khi các vùng rộng lớn ở phía Bắc và miền Đông Trung Quốc nóng lên với nhiệt độ cao kỷ lục.
Các đợt nắng nóng do các khối không khí ấm kết hợp với áp suất cao trong khí quyển gây ra. Theo các nhà khí tượng học Trung Quốc, hiệu ứng này được khuếch đại bởi lớp mây mỏng và thời gian ban ngày dài hơn vào ngày Hạ chí.