Nga cấm xuất khẩu dầu sang các nước áp dụng giá trần của phương Tây
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký thông qua sắc lệnh cấm xuất khẩu dầu sang các quốc gia áp dụng giá trần của phương Tây đối với dầu Nga. Sắc lệnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/2/2023 đến ngày 1/7/2023.
Theo đó, Nga sẽ cấm xuất khẩu dầu thô cho những quốc gia áp giá trần với dầu Nga từ ngày 1/2. Đối với các sản phẩm từ dầu, thời điểm áp dụng sẽ do chính phủ Nga quyết định và có thể sau mốc này. Ngoài ra, sắc lệnh còn có một điều khoản cho phép Tổng thống Putin hủy lệnh cấm này trong trường hợp đặc biệt.
Điện Kremlin đã nhiều lần chỉ trích mức giá trần do các nước phương Tây đưa ra là "không thể chấp nhận được", đồng thời cho rằng biện pháp này sẽ tác động đến thị trường dầu trên toàn thế giới.
Mức giá trần 60 USD/thùng của nhóm G7 áp lên dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực từ ngày 5/12 là một phần trong nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế năng lực chiến tranh của Nga tại Ukraine.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Taliban gỡ lệnh cấm với phụ nữ
Ngày 27/12, ông Volker Turk, cao ủy về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Không quốc gia nào có thể phát triển, hay thực sự tồn tại, về xã hội và kinh tế nếu một nửa dân số bị loại trừ. Những hạn chế không thể hiểu được đang áp đặt với các phụ nữ và bé gái không chỉ gia tăng đau khổ cho người dân Afghanistan, mà tôi lo ngại còn tạo ra nguy cơ ở ngoài biên giới nước này".
Ông Turk đưa ra bình luận sau khi chính quyền Taliban ngày 24/12 cấm tất cả tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế ở Afghanistan tuyển nhân viên nữ do "những phàn nàn nghiêm trọng" về trang phục. Lệnh cấm được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Taliban không cho phép phụ nữ học đại học.
Theo ông Turk, những chính sách này nguy cơ gây bất ổn xã hội, có thể tạo ra "hậu quả nghiêm trọng cho phụ nữ và tất cả người dân Afghanistan".
Israel bắt nghi phạm vụ đánh bom ở Jerusalem
Ngày 27/12, cảnh sát và cơ quan an ninh nội địa (Shin Bet) của Israel ra thông báo chung cho biết họ đã bắt giữ một nghi phạm trong vụ đánh bom kép ở Jerusalem khiến hai người thiệt mạng vào tháng trước, đồng thời cho rằng người này có quan hệ với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Thông báo cho biết, nghi phạm là Aslam Farouh, 26 tuổi, người Arab có thẻ cư trú Israel, sống ở khu vực giữa Kufr Akab - một vùng lân cận Jerusalem và Ramallah.
Thông báo có đoạn: "Nghi phạm đã hành động theo tư tưởng Hồi giáo cực đoan của mình, có quan hệ với Daesh (tên gọi khác của IS) và hành động một mình sau một thời gian dài chuẩn bị nhằm tấn công các công dân Israel ở Jerusalem". Đối tượng này sẽ bị truy tố "trong vài ngày tới."
Tấn công mạng tăng mạnh ở Hàn Quốc
Hãng tin Yonhap dẫn số liệu Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho hay số lượng các vụ tấn công mạng tại nước này đã tăng hơn 60% trong năm 2022 so với một năm trước đó.
Theo đó, tổng cộng 1.045 vụ tấn công mạng đã được phát hiện trong 11 tháng năm 2022, tăng mạnh từ mức 640 vụ năm 2021. Trong đó, 303 vụ (29%) là các vụ tấn công bằng mã độc để tống tiền. Các dữ liệu của Chính phủ Hàn Quốc chỉ ra số lượng các vụ tấn công DDoS cũng đang có xu hướng tăng đều đặn, từ 9 vụ trong năm 2021 lên 48 vụ trong năm nay.
Bộ Khoa học, Công nghệ thông tin và Truyền thông Hàn Quốc cho rằng, các tin tặc trên thế giới có thể sẽ tăng cường tấn công những cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc trọng yếu của các nước và các công ty lớn trong năm tới. Bộ trên yêu cầu các công ty và các cá nhân nâng cao cảnh giác trước nguy cơ bị tấn công mạng, trang bị các hệ thống phòng ngừa và hỗ trợ khôi phục nhanh hệ thống khi bị tấn công.