Trục vớt mảnh vỡ tàu lặn Titan và các phần thi thể nạn nhân
Ngày 28/6, công ty Pelagic Research của Mỹ cho biết hoạt động trục vớt xác tàu lặn Titan đã hoàn tất. Những mảnh vỡ, trong đó dường như có phần mũi tàu và một bảng điều khiển, đã được đưa về cảng Saint John của Canada.
Các mảnh vỡ từ tàu Titan sẽ được chuyển tới Mỹ để phân tích thêm. Lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng xác nhận có thể đã thu được một số phần thi thể của nạn nhân trên tàu trong quá trình trục vớt.
Ông Jason Neubauer - người đứng đầu Ủy ban Điều tra Hàng hải, trưởng nhóm điều tra của Mỹ về tàu Titan - cho biết hiện vẫn còn nhiều việc phải làm để tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới sự cố nổ tàu dưới đại dương và ngăn thảm kịch này không xảy ra lần nữa.
Nổ súng gần Lãnh sự quán Mỹ ở Ả Rập Saudi, ít nhất 2 người thiệt mạng
Ngày 28/6, Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận tại khu vực tòa nhà Lãnh sự quán của nước này ở thành phố Jeddah, Ả Rập Saudi đã xảy ra đấu súng giữa một người đàn ông có vũ trang với lực lượng an ninh địa phương.
Vụ đấu súng khiến thủ phạm và một nhân viên an ninh người Nepal thiệt mạng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ đang phối hợp với giới chức Ả Rập Saudi để điều tra vụ việc.
Mỹ lên kế hoạch điều tàu ngầm hạt nhân lớn nhất tới Hàn Quốc
Lần đầu tiên sau khoảng 40 năm, Mỹ lên kế hoạch điều tàu ngầm vũ trang hạt nhân lớp Ohio lớn nhất đến Hàn Quốc, trong nỗ lực ngăn chặn những mối đe dọa từ Triều Tiên và cam kết bảo vệ đồng minh thân cận của mình.
Tàu ngầm lớp Ohio, được gọi là "boomer", có khả năng lặn vô thời hạn và thực hiện các cuộc tuần tra kéo dài hàng tháng. Chúng có thể khai hỏa các đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu cách xa hàng ngàn km.
Việc Mỹ triển khai tàu ngầm hạt nhân đánh dấu điểm nhấn đáng kể đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ký kết một hiệp định nâng cấp quan hệ đồng minh vào cuối tháng 4 năn nay. Theo đó, Hản Quốc đã thống nhất với Mỹ thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân mới và đồng ý đẩy mạnh kế hoạch hạt nhân trước mối đe dọa từ Triều Tiên.
Sắp có thêm vaccine điều trị các loại ung thư
Thế giới hiện nay đã có nhiều loại vaccine ngăn ngừa ung thư như vaccine viêm gan B ngăn ngừa ung thư gan và vaccine HPV ngừa ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, Viện Ung thư quốc gia Mỹ cho biết, các nhà khoa học đã đạt đến một bước ngoặt lớn và đây không phải là những loại vaccine truyền thống ngăn ngừa bệnh tật, mũi tiêm sẽ không ngăn được ung thư, nhưng sẽ thu nhỏ khối u và ngăn ung thư quay trở lại.
Loại vaccine điều trị bằng liệu pháp mRNA này lần đầu tiên được Công ty Dược phẩm Moderna tạo ra để điều trị ung thư, nhưng sau đó được sử dụng để tung ra vaccine Covid-19 ở đỉnh điểm của đại dịch.
Giám đốc y tế của Moderna, Tiến sĩ Paul Burton, cho biết, phương pháp phát triển vaccine điều trị được “cá nhân hóa” để nhắm mục tiêu vào các loại khối u khác nhau, lần này là khối u của ung thư vú và ung thư phổi, sẽ có hiệu quả cao với khả năng cứu sống “hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu người ngay sau năm 2030”.