Tin thế giới sáng 3/2: Nga đưa robot chiến đấu đến Ukraine; Thái Lan ô nhiễm không khí nghiêm trọng

(VOH) - Một số thông tin khác: EU công bố gói hỗ trợ quân sự thứ bảy USD cho Ukraine; Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại diện ngoại giao của 9 nước lên án việc cho đóng cửa hàng loạt lãnh sự quán tại Istanbul.

EU công bố gói hỗ trợ quân sự gần 550 triệu USD cho Ukraine

Ngày 2/2, Hội đồng châu Âu đã nhất trí cung cấp cho Ukraine gói hỗ trợ quân sự thứ bảy trị giá 500 triệu euro cùng 45 triệu euro cho hoạt động đào tạo của Phái bộ hỗ trợ quân sự của Liên minh châu Âu tại quốc gia này (EUMAM Ukraine).

Ông Josep Borrell - đại diện cấp cao về Chính sách Đối ngoại và An ninh của Liên minh châu Âu (EU), cho biết: "Các biện pháp mới gửi thông điệp rõ ràng vào thời điểm quan trọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine đến chừng nào còn cần thiết.”

Thông báo được đưa ra khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang ở Kiev. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bà Von der Leyen cho biết khối sẽ áp dụng gói trừng phạt mới đối với Nga vào ngày 24/2, tròn một năm bùng phát cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II.

Tin thế giới sáng 3/2: Nga đưa robot chiến đấu đến Ukraine; Thái Lan ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tại Kiev, ngày 2/3/2023. Ảnh: Reuters

Nga triển khai siêu robot chiến đấu đến Ukraine

Hãng thông tấn TASS ngày 2/2 dẫn thông tin trên tài khoản Telegram của ông Dmitry Rogozin, cựu lãnh đạo Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) và cũng là người đứng đầu nhóm cố vấn quân sự Tsar Wolves, cho hay 4 siêu robot chiến đấu Marker của Nga đã được vận chuyển đến chiến trường Donbass, miền Đông Ukraine để bắt đầu thử nghiệm.

Robot Marker được phát triển để có thể khai hỏa mục tiêu nhanh hơn nhiều lần so với con người. Marker được trang bị hệ thống tên lửa chống tăng tầm bắn đến 6km, cùng với súng máy hạng nặng và một số vũ khí khác.

Theo ông Rogozin, robot này có khả năng lựa chọn mục tiêu một cách độc lập và tấn công bằng phương tiện pháo thích hợp. Robot này có thể phân biệt giữa dân thường và quân nhân và có khả năng diệt xe tăng, kể cả các xe tăng hiện đại của phương Tây như Abrams, Leopard, cũng như các mục tiêu trên không.

Động thái triển khai robot chiến đấu Marker của Nga diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây, trong đó có Mỹ, Đức, Anh, Ba Lan cam kết chuyển giao hơn 300 xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.

Tin thế giới sáng 3/2: Nga đưa robot chiến đấu đến Ukraine; Thái Lan ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Một siêu robot Marker của Nga. Ảnh: Tass

Thổ Nhĩ Kỳ triệu tập đại diện ngoại giao của 9 nước

Thổ Nhĩ Kỳ đã cho triệu tập đại sứ, đặc phái viên của 9 quốc gia để thảo luận về việc những quốc gia này quyết định đóng cửa hàng loạt lãnh sự quán tại Istanbul với lý do lo ngại an ninh.

Trước đó, Mỹ và một số cường quốc châu Âu đã khuyến cáo công dân không tham dự các sự kiện đông người và tránh các điểm nóng du lịch ở trung tâm Istanbul vì mối đe dọa khủng bố ngày càng cao.

Các cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng liên quan việc Thổ Nhĩ Kỳ từ chối chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự NATO. Tình hình nghiêm trọng hơn khi các cuộc biểu tình phản đối Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra ở Stockholm và Copenhagen tháng trước, trong đó một người cực đoan chống Hồi giáo đã đốt các bản sao kinh Koran (Quran).

Kinh Koran là văn bản tôn giáo quan trọng nhất của Hồi giáo. Hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi.

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng với các cảnh báo an ninh của phương Tây. Ankara cuối tuấn trước phát cảnh báo đi lại đối với Washington và châu Âu - động thái được cho là để trả đũa.

Tin thế giới sáng 3/2: Nga đưa robot chiến đấu đến Ukraine; Thái Lan ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Biểu tình bên ngoài sứ quán Thuỵ Điển ở Ankara phản đối hành động đốt kinh Koran, ngày 21/1/2023. Ảnh: AFP

Thái Lan khuyến cáo người dân làm việc ở nhà vì ô nhiễm không khí

Chính phủ Thái Lan khuyến cáo người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài và cân nhắc làm việc ở nhà, tránh các hoạt động ngoài trời do chất lượng không khí ở Thái Lan đang ở mức xấu.

Theo IQAir, nền tảng theo dõi chất lượng không khí của Thụy Sĩ, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 2/2 cao gấp 14 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Cơ quan Khí tượng Thái Lan dự báo tình hình tương tự sẽ tiếp diễn vào ngày 3/2 và có thể được cải thiện từ cuối tuần.

Tin thế giới sáng 3/2: Nga đưa robot chiến đấu đến Ukraine; Thái Lan ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Thủ đô Bangkok của Thái Lan chìm trong khói bụi dày đặc vì ô nhiễm không khí, ngày 2/2/2023. Ảnh: Reuters

Người dân được khuyến cáo kiểm tra chất lượng không khí qua ứng dụng hoặc các trang web của chính phủ trước khi ra ngoài. Những người có bệnh mãn tính hay bệnh về đường hô hấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia các hoạt động ngoài trời.

Trước đó vào ngày 1/2, Bangkok chìm trong màn khói bụi dày đặc do khí thải của phương tiện giao thông và khói bụi cháy rừng.