Mỹ cảnh báo Triều Tiên sẽ "trả giá" nếu cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Nga
Trả lời báo giới ngày 5/9 tại Nhà Trắng, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo nếu Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên cung cấp vũ khí cho Nga thì sẽ "không có tác động tốt nào và Triều Tiên sẽ phải trả giá cho việc này trong cộng đồng quốc tế".
Cảnh báo của ông Jake Sullivan đưa ra trong bối cảnh các thỏa thuận về vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang tiến triển tích cực.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu từng có chuyến thăm Triều Tiên hồi tháng 7 vừa qua nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Mới đây phía Mỹ cũng thông tin rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ đến Nga trong tháng 9 này để gặp Tổng thống Vladimir Putin, thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moscow.
Ông Sullivan cho biết Mỹ đang tiếp tục siết chặt ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến quốc gia này đang "phải tìm kiếm bất kỳ nguồn cung nào có thể". Ông khẳng định Mỹ đã và sẽ tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo Triều Tiên hiểu rằng họ không nên cung cấp vũ khí cho Nga.
Quốc hội Ukraine thông qua quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng
Ngày 5/9, nghị sĩ Yaroslav Zheleznyak cho biết Quốc hội Ukraine đã thông qua quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Oleksii Reznikov. Cơ quan này dự kiến ngày 6/9 sẽ bỏ phiếu bổ nhiệm ông Rustem Umerov - người cũng bị miễn nhiệm khỏi vị trí lãnh đạo Quỹ Tài sản Nhà nước (SPF), trở thành Bộ trưởng Quốc phòng.
Trước đó vào ngày 3/9, trong bài phát biểu qua video trước toàn dân, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thông báo ông đã quyết định miễn nhiệm Bộ trưởng Rezniko, đồng thời đề xuất với Quốc hội người thay thế là chính trị gia Rustem Umerov.
Tổng thống Ukraine cho biết quyết định trên sẽ mở đầu cho cuộc cải tổ sâu rộng nhất đối với quốc phòng nước này kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra. "Tôi cho rằng Bộ Quốc phòng cần có những cách tiếp cận mới và các hình thức tương tác khác với quân đội nói riêng và xã hội nói chung", ông Zelensky nói.
Ông Reznikov được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine từ tháng 11/2021 và là người có công lớn trong việc bảo đảm cho Ukraine có được hàng tỷ USD viện trợ quân sự từ phương Tây. Tuy nhiên, ông Reznikov cũng bị bủa vây bởi những cáo buộc tham nhũng tại Bộ Quốc phòng. Ông kiên quyết bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định đây là hành vi bôi nhọ.
Khai mạc kỳ họp thứ 78 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc
Rạng sáng 6/9 (theo giờ Hà Nội), Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã chính thức khai mạc Kỳ họp lần thứ 78 tại trụ sở của cơ quan này ở New York (Mỹ) để thảo luận về hàng loạt vấn đề quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt.
Kỳ họp thứ 78 diễn ra từ ngày 5/9 cho tới tháng 12, trong đó trọng tâm là Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc từ ngày 19 đến 26/9 với sự tham dự của nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ 193 nước thành viên LHQ.
Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin, khơi dậy tinh thần đoàn kết toàn cầu: Đẩy nhanh hành động Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển Bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người," các đại biểu tham dự kỳ họp sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề thời sự nhất, như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, ngăn ngừa đại dịch, giải giáp vũ khí hạt nhân, hội nghị thượng đỉnh tương lai...
Mỹ: 52 triệu hệ thống bơm túi khí xe hơi bị lỗi cần triệu hồi
Ngày 5/9, các cơ quan quản lý về quy định an toàn xe hơi của Mỹ cho biết hiện có 52 triệu hệ thống bơm túi khí sản xuất bởi ARC Automotive và Delphi Automotive cần phải triệu hồi do mắc nguy cơ nổ vỡ, giải phóng các mảnh kim loại tích hợp bên trong và gây thương tích, thậm chí tử vong, cho người ngồi trong xe.
Cục Quản lý An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) từng yêu cầu hai nhà cung cấp trên ra yêu cầu triệu hồi tự nguyện vào tháng 5 vừa qua, song phía ARC không thi hành.
NHTSA sau đó đã ban hành quyết định triệu hồi ban đầu vào ngày 5/9, và dự kiến sẽ có cuộc họp công khai vào ngày 5/10 tới để chính thức đưa ra quyết định triệu hồi bắt buộc. Nếu quyết định này được thông qua thì đây sẽ là một trong những đợt triệu hồi xe hơi lớn nhất ở Mỹ.
Theo NHTSA, các mẫu xe có sử dụng hệ thống bơm túi khí bị lỗi gồm các phương tiện sản xuất từ năm 2000 đến đầu năm 2018 của 12 hãng xe gồm General Motors (GM), Ford, Stellantis, Tesla, Toyota, Hyundai, Kia, Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen.
NHTSA đã theo dõi các trường hợp vỡ nổ hệ thống túi khí và tính an toàn của các hệ thống này suốt 15 năm qua. Ngoài hai nhà cung cấp nói trên, nền công nghiệp xe hơi của Mỹ và cả thế giới từng "lao đao" vì khủng hoảng túi khí đến từ nhà cung cấp Takata của Nhật Bản. Tính riêng ở Mỹ, đã có hơn 67 triệu hệ thống bơm túi khí Takata bị triệu hồi và ở phạm vi toàn cầu, con số này lên đến hơn 100 triệu.