Mỹ bắt nghi phạm 17 tuổi liên quan đến vụ xả súng ở Baltimore
Ngày 7/7, cảnh sát thành phố Baltimore, bang Maryland của Mỹ đã bắt giữ một thiếu niên 17 tuổi vì các cáo buộc liên quan đến súng đạn và vụ xả súng tại một sự kiện cộng đồng ở thành phố nhân kỷ niệm Quốc khánh vào cuối tuần trước.
Cảnh sát hiện chưa buộc tội giết người đối với nghi phạm trên và cho biết quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành. Các cáo buộc đối với nghi phạm tuổi teen này gồm sở hữu súng đạn khi chưa đủ tuổi, sở hữu vũ khí tấn công, liều lĩnh gây nguy hiểm và mang theo súng trong xe.
Vụ xả súng hàng loạt ngày 2/7 tại khu dân cư Brooklyn Homes ở Baltimore đã khiến 2 người thiệt mạng và 28 người bị thương.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, theo dữ liệu từ cơ quan lưu trữ thông tin về bạo lực súng đạn (Gun Violence Archive), đã có ít nhất 361 vụ xả súng xảy ra trên toàn nước Mỹ. Luật pháp Mỹ quy định một vụ tấn công được xem là xả súng hàng loạt khi có ít nhất 4 người bị bắn, không bao gồm thủ phạm.
Ấn Độ bắt 3 người liên quan thảm kịch tai nạn đường sắt
Truyền thông Ấn Độ ngày 7/7 đưa tin Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ đã bắt 3 người liên quan đến vụ tai nạn đường sắt thảm khốc ở bang Odisha hồi tháng 6 - gồm kỹ sư cao cấp Arun Kumar Mahanta, kỹ sư Md Amir Khan và kỹ thuật viên Papu Kumar. Trong đó, Arun Kumar Mahanta từng là thành viên hội đồng điều tra vụ tai nạn.
Những người bị bắt đối mặt với cáo buộc ngộ sát và hủy hoại bằng chứng phạm tội. Vụ bắt giữ diễn ra vài tuần sau khi Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết "nguyên nhân gốc rễ" của vụ tai nạn và rằng những kẻ đứng sau hành động "phạm tội" đã được xác định.
Thảm kịch tàu hỏa ngày 2/6 tại Balasore, bang Odisha khiến hơn 290 người thiệt mạng và hơn 1.100 người bị thương. Nguyên nhân được xác định do hệ thống đèn tín hiệu vận hành sai, khiến 3 đoàn tàu đâm vào nhau. Đây được coi là một trong những tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất lịch sử Ấn Độ.
Mỹ viện trợ đạn chùm cho Ukraine trong gói hỗ trợ 800 triệu USD
Trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, Mỹ lần đầu tiên quyết định cung cấp Đạn Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM, hay còn gọi là đạn chùm). Đây là loại vũ khí bị cấm tại hơn 100 quốc gia.
Trước động thái của Mỹ, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết ông phản đối động thái này. "Tổng thư ký LHQ không muốn bom chùm, đạn chùm tiếp tục được dùng trên chiến trường", phát ngôn viên này nói.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này cũng phản đối Mỹ gửi đạn chùm đến Ukraine. Đức và nhiều đồng minh khác của Mỹ đều tham gia Công ước quốc tế về cấm vận chuyển, sử dụng và tàng trữ đạn chùm ký kết vào năm 2008, do loại vũ khí này khi chưa nổ cũng có khả năng gây thương tích hoặc giết chết dân thường, cấu thành tội ác chiến tranh. Mỹ, Ukraine và Nga không ký kết thỏa thuận này.
Scotland đề xuất hợp pháp hóa hoàn toàn ma túy
Ngày 7/7, Scotland đã đề xuất các phương án hợp pháp hóa hoàn toàn việc sở hữu ma túy đối với cá nhân, trong nỗ lực nhằm kéo giảm tỷ lệ tử vong do ma túy được xem là cao nhất châu Âu ở Scotland.
Theo đó, các đề xuất cho phép người có các vấn đề liên quan đến ma túy thay vì bị xử lý hình sự thì sẽ được thăm khám và điều trị thích hợp, đồng thời hỗ trợ những người trong giai đoạn phục hồi có cơ hội tốt hơn để tìm được việc làm.
Vì là quốc gia thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland (UK) nên theo luật, các đề xuất của Scotland sẽ được gửi đến chính phủ Anh ở London để quyết định xem có thực thi được hay không.
Với tỷ lệ trung bình cứ một triệu dân thì có 327 người chết vì ma túy, Scotland có tỷ lệ tử vong do chất cấm này cao nhất châu Âu, theo số liệu năm 2020. Quốc gia kế tiếp là Na Uy với tỷ lệ 85 người/một triệu dân.
Mặc dù ma túy được xem là bất hợp pháp ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng vài quốc gia đã hợp pháp hóa các hình thức sở hữu và sử dụng ma túy khác nhau. Một số chuyên gia y tế cho rằng điều đó sẽ cho phép những người nghiện ma túy được đối xử như bệnh nhân hơn là một loại tội phạm.