Tình hình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 trên thế giới: Nhiều nước sẽ vẫn phải chờ

(VOH) - Chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 ở một số nước đông dân như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ kéo dài đến cuối năm sau, và hơn 85 quốc gia thu nhập thấp khác sẽ không có vắc-xin trước năm 2023.

Theo một nghiên cứu mới đây, khi việc vắc-xin ra đời là điểm sáng mang theo hy vọng về việc có thể kết thúc được đại dịch Covid-19 kéo dài hơn một năm qua, thì việc phân phối vắc-xin không đồng đều giữa các quốc gia đang mang đến nhiều lo ngại.

Việc phân phối không đồng đều này được cho là xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như các vấn đề trong khâu sản xuất và các nước giàu đã đạt được nhiều thỏa thuận với nhà cung cấp, “xí chỗ” nhiều hơn cho nước mình hơn các quốc gia thu nhập thấp khác trên thế giới.

Ngày 26/1, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ đặt mục tiêu bảo đảm sẽ có thêm 200 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 từ hãng dược Pfizer và đối tác BioNTech, cũng như của Mordena vào mùa hè năm nay.

Tại châu Âu, Ủy ban châu Âu cũng đang đề xuất hạn chế xuất khẩu vắc-xin ngừa Covid-19, trong bối cảnh vắc-xin do AstraZeneca phát triển đang bị chậm tiến độ và một số vấn đề khác trong khâu cung cấp.

Agathe Demarais - giám đốc Bộ phận Tình báo Kinh tế thuộc Tập đoàn Economist cho biết: “Hầu hết các quốc gia đang phát triển sẽ không thực hiện được việc tiêm chủng đại trà trước năm 2023, và đó là thời điểm sớm nhất theo nghiên cứu. Một vài trong số các nước này - thường là những nước nghèo hơn hoặc nền chính trị chưa ổn định - có thể sẽ mất cơ hội ưu tiên phân phối vắc-xin, đặc biệt trong trường hợp dịch bệnh lan rộng hoặc các chi phí liên quan đội lên quá cao.”

Tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 trên thế giới: Nhiều nước sẽ vẫn phải chờ
Một số quốc gia đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ thì việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 có thể kéo dài đến hết năm 2022. Ảnh: Reuters

Trong đó, hầu hết các quốc gia ở châu Phi dường như sẽ không thể thực hiện tiêm chủng mở rộng cho người dân trước năm 2023, và nhiều nước ở châu Á cũng sẽ chỉ thực hiện tiêm chủng đại trà vào cuối năm 2022.

Báo cáo cũng cho biết, việc giao nhận vắc-xin đến các nước nghèo được thực hiện theo Chương trình hợp tác phát triển và phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hỗ trợ. Theo tình hình thực tế, có thể việc phân phối này sẽ bị chậm.

Theo chương trình COVAX, khoảng 1,8 tỷ liều vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ được cung cấp đến 92 quốc gia trong nhóm đang phát triển vào năm 2021, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 27% tổng dân số của những nước này.

Tình hình tiêm vắc-xin Covid-19 trên thế giới: Nhiều nước sẽ vẫn phải chờ
Báo cáo mới nhất cho thấy hầu hết các nước ở châu Phi có thể sẽ không nhận được vắc-xin Covid-19 trước năm 2023. Ảnh: Reuters

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesu, chương trình COVAX bao gồm một cơ chế cùng mua sắm chung vắc-xin và cùng chia sẻ rủi ro. Bất kỳ loại vắc-xin nào được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong tương lai, các nước tham gia COVAX đều có thể nhận được những loại vắc-xin này một cách kịp thời, dù đó là quốc gia có thu nhập thấp hay thu nhập cao.

Ông Tedros nhấn mạnh rằng, trong trường hợp nguồn cung vaccine chưa có nhiều trong giai đoạn đầu ra mắt, cần ưu tiên đảm bảo vắc-xin được cung cấp cho nhóm người có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, người già trên 65 tuổi và những người có nguy cơ tử vong cao vì có bệnh lý nền.

Bình luận