Ngày 7/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn của các đại diện quốc tế để thảo luận việc lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Ông Ghebreyesus cho biết ủy ban khẩn cấp của WHO sẽ họp trong thời gian sớm nhất có thể để thảo luận việc liệu đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ hiện nay ở CHDC Congo có phải là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế hay không.
Dịch bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng tại CHDC Congo. Cũng đã xuất hiện các ca bệnh ở bên ngoài Congo.
Theo thống kê, từ khi dịch bùng phát đầu năm 2023, đến nay, nước này có tới 27.000 ca nhiễm, trong đó hơn 1.100 ca tử vong, hầu hết là trẻ em.
Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm, được phát hiện lần đầu vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi virus lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.
Trong bài viết trên tạp chí Science mới đây, ông Tedros khẳng định: "Loại virus này có thể ngăn chặn và phải được ngăn chặn bằng các biện pháp y tế công cộng tăng cường, bao gồm giám sát, sự tham gia của cộng đồng, điều trị và triển khai vaccine có mục tiêu cho những người có nguy cơ lây nhiễm cao hơn".
WHO đã ban bố đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) từ tháng 7/2022 đến tháng 5/2023. PHEIC là mức cảnh báo cao nhất mà WHO đưa ra đối với một dịch bệnh.