Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, lãnh đạo được bầu cử dân chủ của quốc gia Tây Phi, đang bị giam giữ tại Dinh tổng thống ở Niamey cùng vợ và con trai sau cuộc đảo chính ngày 26/7.
Theo AP, gia đình ông Bazoum đang sống trong tình cảnh không có điện và chỉ còn ít gạo, thực phẩm đóng hộp. Đảng chính trị của ông Bazoum đã xác nhận thông tin này và cho biết thêm gia đình Tổng thống còn không có nước sinh hoạt.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/8 đề nghị chính quyền quân sự ở Niger ngay lập tức trả tự do cho gia đình ông Bazoum.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã trao đổi qua điện thoại với ông Bazoum vào ngày 8/8. Ông nhấn mạnh rằng “an toàn và an ninh của Tổng thống Bazoum cùng gia đình ông là quan trọng nhất”.
Một phát ngôn viên của Liên hợp quốc ngày 9/8 cho biết, Tổng thư ký Antonio Guterres rất lo ngại trước thông tin về "tình trạng sống tồi tệ" của Tổng thống Niger Bazoum và gia đình ông.
Người phát ngôn này nêu rõ: "Tổng thư ký nhắc lại quan tâm của ông về sức khỏe và sự an toàn của Tổng thống Bazoum cùng gia đình đồng thời một lần nữa kêu gọi trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện và phục hồi tư cách nguyên thủ quốc gia cho ông Bazoum".
Những binh lính đứng lên đảo chính khẳng định, họ có thể bảo vệ Niger khỏi bạo lực thánh chiến tốt hơn ông Bazoum. Các nhóm có liên kết với al-Qaida và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hoành hành vùng Sahel vốn bao gồm một phần lãnh thổ Niger.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và nhà ngoại giao cho rằng lý do này không đủ sức nặng và việc đảo chính bắt nguồn từ kế hoạch của Tổng thống Bazoum nhằm cải tổ bộ chỉ huy cấp cao của quân đội và cách chức Tướng Abdourahmane Tchiani. Tướng Tchiani là đứng đầu chính phủ chuyển tiếp của Niger sau cuộc đảo chính.
Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã ban hành trừng phạt kinh tế và di chuyển với Niger kể từ cuộc đảo chính, khiến giá thực phẩm tại quốc gia châu Phi này tăng 5%. Nếu khủng hoảng tiếp diễn, 25 triệu người dân Niger là đối tượng chịu thiệt thòi nhất.