Theo Hãng tin Reuters ngày 16/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trên truyền hình quốc gia rằng Nga có nguồn dự trữ bom chùm đủ để giao chiến với Ukraine.
"Dĩ nhiên, nếu họ dùng bom chùm để tấn công chúng ta, chúng ta có quyền trả đũa" - nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.
Tuyên bố trên của Tổng thống Putin được đưa ra chỉ ít ngày sau khi quân đội Ukraine xác nhận đã nhận lô bom chùm đầu tiên do Mỹ viện trợ vào hôm 13/7.
Ngày 7/7, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho Ukraine trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD.
Lô bom chùm này được giao đến tay các lực lượng Ukraine chỉ một tuần sau khi Washington thông báo quyết định hỗ trợ loại vũ khí trên.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine ông Oleksii Reznikov, nước này chỉ muốn lấy lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Ukraine sẽ sử dụng bom chùm tại các khu vực bị chiếm đóng, vốn được quốc tế công nhận. Bom chùm sẽ không được sử dụng để nhằm vào các khu vực lãnh thổ của Nga đã được quốc tế công nhận.
Quyết định của Washington lập tức bị Matxcơva và nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phản đối. Các nước quan ngại loại vũ khí này có thể gây thương vong cho dân thường.
Ngày 9/7, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã công khai chỉ trích việc Mỹ cấp bom chùm cho Ukraine: "Mỹ sẵn sàng hủy diệt cuộc sống ở xa biên giới của họ bằng bàn tay của người Ukraine".
Phía Mỹ vẫn quả quyết loại vũ khí này sẽ rất hữu dụng trong việc chống lại các lực lượng Nga, nhất là trong bối cảnh Mỹ đang cạn kiệt nguồn đạn pháo 155mm để cung cấp cho quân đội Ukraine.
Loại bom chùm mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là đạn pháo cải tiến có chức năng kép, chứ không phải bom chùm dạng tên lửa hoặc đạn phóng từ trên không.
Bom chùm mà Mỹ mới cung cấp cho Ukraine tương thích với loại pháo 155mm này.