Ông Erdogan nói, các cuộc đàm phán ở cấp độ tình báo giữa hai nước vẫn đang được tiếp tục, nhưng ông nhấn mạnh rằng các chính sách của Israel đối với Palestine là "không thể chấp nhận".
Cùng ngày, ông Erdogan nói với các phóng viên rằng nếu không phải vì sự khác biệt trong quan điểm giữa giới lãnh đạo cấp cao hai nước thì mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đã "có thể rất khác", và "chúng tôi sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới".
Ông Erdogan nói, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel có "mối quan hệ thương mại bền vững", nhưng những năm gần đây quan hệ song phương đã trở nên xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần lên án việc Israel sáp nhập khu Bờ Tây cũng như những chính sách của nước nay đối với người Palestine.
Ông nhấn mạnh rằng, với Thổ Nhĩ Kỳ, chính sách của Israel đối với người Palestine là “lằn ranh đỏ” và sự khắc nghiệt của Israel đối với người Palestine là không thể chấp nhận được.
Ngày 14/5/2018, Mỹ chuyển trụ sở Đại sứ quán nước này tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem. Cùng ngày, các cuộc biểu tình đã xảy ra tại nhiều thành phố của Palestine nhằm phản đối quyết định đên của chình quyền Mỹ.
Những người biểu tình sau đó đã đụng độ với binh lính Israel, khiến hơn 60 người Palestine thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.
Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã triệu đại sứ nước này tại Israel và Mỹ về nước, đồng thời trục xuất đại sứ Israel tại Ankara và tổng lãnh sự nước này tại Istanbul.
Đáp lại, Israel cũng ra lệnh trục xuất tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem.
Ngày 14/12 vừa qua, các phương tiện truyền thông dẫn nguồn tin từ giới thạo tin cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ nhiệm đại sứ mới của nước này tại Israel sau 2 năm vị trí này bị bỏ trống.
Động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một phần trong nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ với chính quyền mới tại Mỹ.