Tổng thống UAE có chuyến thăm Nga để thảo luận tình hình Ukraine

(VOH) - Ngày 11/10, Tổng thống Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Nga cùng người đồng cấp Vladimir Putin.

Hãng thông tấn nhà nước WAM của UAE dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này cho biết, chuyến thăm lần này của Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan nhằm mục đích “đạt được những giải pháp chính trị hiệu quả” đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Cũng theo Bộ Ngoại giao UAE, nước này đang tìm cách “đạt được các kết quả tích cực nhằm giảm leo thang quân sự, giảm thiểu các hậu quả về nhân đạo và đạt được một thỏa thuận chính trị hướng tới hòa bình và an ninh chung trên toàn cầu”.

Dự kiến các nhà lãnh đạo UAE và Nga sẽ thảo luận những diễn biến mới nhất liên quan cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó UAE kêu gọi giải quyết xung đột thông qua đối thoại, đồng thời tôn trọng các quy tắc và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Ngoài ra, Tổng thống Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan và Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ thảo luận về quan hệ song phương, cùng một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Tổng thống UAE có chuyến thăm Nga để thảo luận tình hình Ukraine
Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan trong chuyến thăm và làm việc tại Hy Lạp, tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Thông báo về chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo UAE được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác mở rộng, gọi là OPEC+ (bao gồm cả UAE và Nga) thống nhất giảm mạnh sản lượng dầu thô từ tháng 11 tới, bất chấp sức ép từ Mỹ.

Quyết định của OPEC+ không được Mỹ hoan nghênh trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao. Mỹ trước đó nhiều lần kêu gọi OPEC không cắt giảm sản lượng. Washington cho rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu hiện không thuận lợi cho quyết định cắt giảm sản lượng.

Ngoài ra, quyết định của OPEC+ cũng có khả năng làm gián đoạn những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thiết lập giới hạn giá dầu từ Nga. Đây là kế hoạch do Mỹ đề xuất như một cách để hạn chế dòng tiền chảy vào nước này và được dùng cho các mục đích quân sự. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối diện với tỷ lệ ủng hộ thấp trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vì lạm phát tăng cao. Vào tháng 7 vừa qua, ông Biden có chuyến Ả Rập Saudi, một đồng minh lâu năm của Washington, để thuyết phục hợp tác nhằm hạ giá dầu, nhưng không nhận được sự bảo đảm nào.