Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc: COVID-19 là khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II

(VOH) – Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 31/3 đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thách thức nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, đang đe doạ nhiều quốc gia.

Đây là một cuộc khủng hoảng có khả năng đem lại một đợt suy thoái chưa từng có trong những năm gần đây.

Đây cũng là một mối nguy khi sự kết hợp giữa dịch bệnh và tác động lên kinh tế của nó sẽ góp phần vào “tăng bất ổn, xáo trộn và tăng xung đột”, lãnh đạo của Liên Hợp Quốc cho biết trong một bài báo cáo về ảnh hưởng kinh tế xã hội của dịch COVID-19.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: AP

Guterres kêu gọi một hành động phản ứng chung cho toàn cầu mạnh mẽ và hiệu quả hơn cho đại dịch virus corona và cho sự tàn phá kinh tế xã hội mà COVID-19 gây ra.

Ông nhấn mạnh “nếu mọi người cùng đồng lòng và quên đi trò chơi chính trị và hiểu rằng loài người đang bị đe dọa”, thì hành động chung này là khả dĩ.

“Chúng ta đang đối mặt với một khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử 75 năm hình thành của Liên Hợp Quốc, gieo rắc nỗi đau của con người và đảo lộn cuộc sống con người. Tuy nhiên, điều này còn hơn cả một cuộc khủng hoảng sức khỏe. Đó là một cuộc khủng hoảng của con người. Dịch COVID-19 đang tấn công các xã hội ở cốt lõi của họ.

Tổng Thư ký Guterres nói với báo giới rằng mức độ của hành động phản ứng cần tương ứng với quy mô của cuộc khủng hoảng – là một quy mô lớn, phối hợp và toàn diện, với các phản ứng của quốc gia và quốc tế được Tổ chức Y tế Thế giới hướng dẫn.

Ông nhấn mạnh rằng “chúng ta vẫn còn cách xa vị trí chúng ta cần ở để chiến đấu hiệu quả với COVID-19 và để có thể giải quyết các tác động tiêu cực đến nền kinh tế và xã hội toàn cầu.

Đầu tiên, ông nói, nhiều quốc gia không tôn trọng các hướng dẫn của WHO, với mỗi quốc gia có xu hướng đi theo cách riêng để đối phó với đại dịch.

“Điều cần thiết hiện giờ là các nước phát triển cần lập tức hỗ trợ các nước phát triển kém hơn để củng cố hệ thống y tế và khả năng ứng phó để ngăn chặn lây nhiễm dịch bệnh”, ông Guterres nói.

“Chúng ta còn lâu mới có một gói hỗ trợ toàn cầu để giúp các nước đang phát triển tạo điều kiện vừa để ngăn chặn dịch bệnh vừa giải quyết hậu quả nghiêm trọng trong dân cư, ở những người mất việc, các công ty nhỏ đang hoạt động và có nguy cơ phải đóng cửa”.

Báo cáo cũng dẫn ra rằng Tổ chức Lao động Quốc tế dự đoán năm 2020 sẽ có vào khoảng từ 5 triệu đến 25 triệu việc làm bị mất, tương ứng với mức thiệt hại từ 860 triệu đến 3,4 tỷ USD trong thu nhập cho lao động. Nó cũng trích dẫn một ước tính của tổ chức thương mại và phát triển UNCTAD về áp lực giảm 30-40% đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu trong năm nay.

Guterres tuyên bố thành lập Quỹ đáp ứng và phục hồi COVID-19 để hỗ trợ các nỗ lực ở các nước thu nhập thấp và trung bình, với mục đích nhanh chóng cho phép các chính phủ giải quyết khủng hoảng và thúc đẩy phục hồi.

Ông Guterres bày tỏ hy vọng rằng đây sẽ là “hành động ứng phó tích cực” từ cộng đồng quốc tế để giúp đỡ những người dễ tổn thương bao gồm hàng chục triệu người tị nạn và người di cư nội địa, những người trong khu ổ chuột của các thành phố lớn ở phía nam địa cầu và những người nghèo ở các nước thu nhập trung bình.

Tổng thư ký cho biết các nước phát triển phải tăng mạnh các nguồn lực có sẵn cho các nước đang phát triển bằng cách mở rộng năng lực của IMF để cấp quyền rút vốn đặc biệt và cho phép các tổ chức tài chính quốc tế khác nhanh chóng bơm tài chính cho các nước có nhu cầu.

Guterres cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong tuần trước tại Hội nghị thượng đỉnh G20 để giúp đỡ châu Phi.