Theo đánh giá mới của Paris Equity Check công bố ngày 6/12, các chính sách về khí hậu của hầu hết các quốc gia giàu có và nhiều nền kinh tế mới nổi có phát thải cao có thể khiến nhiệt độ toàn cầu vượt quá mức tăng 1,5 độ C.
Các quốc gia đã đồng ý với mục tiêu hạn chế sự nóng lên của Trái Đất trung bình ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mức tăng nhiệt có thể tránh được những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu.
Các chính sách về khí hậu mà các quốc gia giàu có như Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng từ 2,1 độ C đến 3,4 độ C ngay cả khi các nước này đã về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính thời gian qua.
Theo Paris Equity Check, các chính sách về khí hậu của các nền kinh tế mới nổi: Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ còn mang lại hậu quả tồi tệ hơn - mức tăng nhiệt có thể lên 5 độ C.
Trong khi đó, phần lớn các quốc gia nghèo nhất thế giới đang trong lộ trình duy trì mức tăng nhiệt Trái Đất trong phạm vi giới hạn 1,5 độ C.
Nhiệt độ của Trái Đất đến nay đã tăng lên 1,2 độ C gây ra một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, từ các đợt nắng nóng và hạn hán đến lũ lụt và các cơn bão nhiệt đới có sức tàn phá lớn hơn do nước biển dâng.
Kết quả nghiên cứu của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Văn phòng Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) ngày 9/5 đã cảnh báo, từ nay đến năm 2026, có 48% khả năng nhiệt độ hằng năm của Trái Đất sẽ tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Các nhà khoa học tại WMO và Met Office đã phân tích khoảng 120 dự báo khí hậu khác nhau để tính toán khả năng mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt ngưỡng 1,5 độ C và dự báo nhiệt độ toàn cầu có khả năng tăng trong giai đoạn từ 2022-2026.
Việc vượt qua ngưỡng 1,5 độ C có nguy cơ gây ra các tác động biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn nhiều đối với con người, động vật hoang dã và hệ sinh thái.