Trạm vũ trụ quốc tế mất ổn định vì sự cố trên module của Nga

(VOH) - Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã bị mất ổn định, chao đảo sau khi một động cơ từ module mới kết nối của Nga gặp trục trặc và khai hỏa ngoài dự kiến.

Theo tin cập nhật mới nhất, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết: “Đội kiểm soát đã khắc phục sự cố và toàn bộ hệ thống đã vận hành bình thường trở lại.”

Trước đó vào ngày 29/7, Nga thông báo module phòng thí nghiệm Nauka của nước này đã kết nối thành công với Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sau hành trình kéo dài 8 ngày.

Vài giờ sau khi ghép nối thành công, vào lúc 12 giờ 45 theo giờ ET (tức 23 giờ 45 phút ngày 29/7 theo giờ Hà Nội - PV), các động cơ đẩy của Nauka bất ngờ kích hoạt và khai hỏa đột ngột, đẩy ISS bị nghiêng khoảng 45 độ so với phương hướng chuẩn.

Nhóm khoa học gia trên ISS phải vận hành động cơ đẩy trên một module khác là Zvezda - đang nối liền với Nauka, để đưa ISS về vị trí ban đầu và toàn bộ quá trình này mất khoảng 47 phút.

NASA cho biết, việc liên lạc với các phi hành gia trên ISS đã bị gián đoạn vài phút khi sự cố xảy ra. Tuy nhiên, theo NASA thì những người có mặt trên ISS lúc đó “thật sự không cảm giác được bất kỳ chuyển động nào” khi ISS chỉ quay khoảng nửa độ/giây.

Các quan chức Mỹ và Nga cho biết tại thời điểm xảy ra sự cố, có 7 thành viên phi hành đoàn đang có mặt trên ISS và không có ai gặp nguy hiểm gì.

Sau khi trạm ISS trở về vị trí ban đầu, các chuyên viên giám sát module Nauka ở Moscow (Nga) bắt đầu làm việc để đảm bảo động cơ đẩy không tự khai hỏa lần nữa. Lệnh yêu cầu được triển khai thành công khi trạm ISS bay qua trạm điều khiển tại Nga.

Trạm Vũ trụ Quốc tế mất ổn định vì sự cố trên module của Nga
Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Ảnh: NASA
rạm Vũ trụ Quốc tế mất ổn định vì sự cố trên module của Nga
Module Nauka của Nga khi chuẩn bị ghép nối thành công với ISS. Ảnh: NASA

Sự cố lệch quỹ đạo lần này của ISS buộc NASA và Boeing phải lùi lịch bay thử nghiệm tàu vũ trụ Starliner của Boeing lên ISS. Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Starliner sẽ có chuyến bay lên ISS vào ngày hôm nay 30/7, tuy nhiên đã được dời lại đến ít nhất là ngày 3/8.

Module Nauka dài 13 mét, nặng 20 tấn được ghép nối vào khu vực phía sau của ISS, gắn liền với một số bộ phận và phòng thí nghiệm chính của Nga. Module này đúng ra đã được triển khai vào năm 2007, tuy nhiên bị trì hoãn cho đến nay vì nhiều lý do như khó khăn về kinh phí và một số vấn đề kỹ thuật khác trong quá trình phát triển.

Thậm chí, sau khi được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan vào tuần trước, module này cũng gặp phải một số vấn đề về động cơ và cần các biện pháp xử lý từ trung tâm điều khiển ở thủ đô Moscow của Nga. Mặc dù vậy, cuối cùng thì module cũng kết nối thành công với ISS theo đúng kế hoạch.

Module Nauka sẽ hỗ trợ các hoạt động khoa học, đón khách ghé thăm và tàu chở hàng, đồng thời đóng vai trò như cơ sở để những nhà du hành vũ trụ Nga tiến hành đi bộ ngoài không gian.