Trung Quốc: Con cháu ở xa sử dụng camera để quan sát người già và những tranh cãi trái chiều

(VOH) - Trong khi một số người dùng nói rằng thiết bị này giúp họ theo dõi các thành viên lớn tuổi trong gia đình, thì những người khác lại nghi ngờ về công nghệ này khi đụng đến vấn đề riêng tư.

Ở tuổi 85, Wang Tianzhen, sống ở vùng nông thôn phía tây nam thành phố Trùng Khánh, chưa bao giờ sở hữu một chiếc điện thoại di động.

Nhưng giờ bà có thể liên lạc thường xuyên với cháu gái sống cách xa 300 km bằng một thiết bị thông minh. Cháu gái của Wang, He Ranran, đã cài đặt một camera thông minh vào đầu năm nay sau khi bà của cô bị hai lần nhồi máu não.

Cô He nói rằng thiết bị này đã giúp để mắt đến người bà dù họ ở cách xa nhau. Cô ấy nói với Sixth Tone: “Tôi chăm sóc bà, nhưng phải làm việc ở xa. Việc lắp camera này là cách chúng tôi cân bằng lòng hiếu thảo và cuộc sống cá nhân của mình”.

Gia đình cô He là một trong số ngày càng nhiều gia đình sử dụng camera, có thể kết nối với màn hình và có tính năng gọi video, để theo dõi các thành viên lớn tuổi trong gia đình khi một mình, hầu hết đều ở nông thôn.

Trung Quốc: Con cháu ở xa sử dụng camera để quan sát người già và những tranh cãi trái chiều 1
He Ranran cùng bà mình. 

Vào năm 2022, hơn 48 triệu camera an ninh sử dụng tại nhà đã được bán ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin. Lý do được đưa ra rằng một số lượng lớn thanh niên mua chúng để quan sát người thân lớn tuổi.

Sun Yuda, một chủ doanh nghiệp bán camera an ninh và các thiết bị thông minh chăm sóc người cao tuổi khác có trụ sở tại Thâm Quyến từ năm 2019, nói với Sixth Tone, đại dịch đã làm tăng nhu cầu về những camera như vậy.

Các biện pháp kiểm soát vi-rút thường khiến nhiều người không thể đi du lịch trong thời gian dài và những ca tử vong trong thời kỳ đỉnh điểm của đại địch càng làm tăng thêm sự lo lắng của mọi người.

“Ngày càng có nhiều người nhận ra rằng họ không ở gần cha mẹ, nhưng vẫn muốn chăm sóc họ tốt hơn”, Sun nói, đồng thời cho biết thêm rằng nhận thức về các công nghệ có thể theo dõi sức khỏe của người cao tuổi đã đạt đến “mức độ thực sự cao”. Trung Quốc là nơi sinh sống của hơn 280 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 19,8% tổng dân số cả nước.

Vào tháng 10/2022, một quan chức chính phủ hàng đầu cho biết hơn một nửa dân số lớn tuổi của đất nước sống một mình và chiếm hơn 70% ở một số thành phố lớn và khu vực nông thôn.

Trung Quốc: Con cháu ở xa sử dụng camera để quan sát người già và những tranh cãi trái chiều 2
Nhiều người trẻ gắn camera để theo dõi người già ở nhà. 

Những rủi ro liên quan đến an toàn sức khỏe của các người lớn tuổi trong gia đình là quá khó để bỏ qua đối với nhiều người sống xa nhà. Theo nhiều báo cáo phương tiện truyền thông trích dẫn dữ liệu chính thức, cứ 10 người từ 65 tuổi trở lên thì có 3 đến 4 người bị ngã dẫn đến thương tích và tử vong cao.

Những lo ngại về sức khỏe như vậy đã khiến một sinh viên đại học 22 tuổi họ Chen lắp đặt camera an ninh trong nhà của bà cô. Cô ấy đã đưa ra quyết định sau khi người phụ nữ 78 tuổi này gặp các biến chứng về sức khỏe liên quan đến Covid. “Bà tôi không thể di chuyển hay với lấy điện thoại để nhờ giúp đỡ sau khi bị ngã,” Chen, sống ở Vũ Hán, nói với Sixth Tone: “Bà sẽ chết nếu không ai hay biết”.

Zhang Bing, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Công nghệ Jingchu ở tỉnh miền trung Hồ Bắc, nói với Sixth Tone rằng việc lắp đặt camera an ninh đã giúp duy trì mối quan hệ giữa các gia đình bất chấp khoảng cách và thậm chí bắt đầu định hình lại các mối quan hệ.

Trung Quốc: Con cháu ở xa sử dụng camera để quan sát người già và những tranh cãi trái chiều 3
Dù camera gắn kết tình cảm gia đình nhưng nó cũng gây tranh cãi về quyền riêng tư. 

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với ý tưởng này. Đề cập đến những giai thoại, Sun, doanh nhân bán camera an ninh, nói rằng nhiều người lớn tuổi phản đối việc lắp đặt các thiết bị như vậy do lo ngại về quyền riêng tư và bị camera theo dõi. Nhiều người phản đối việc đặt camera trong phòng ngủ và phòng tắm của họ hoặc sẽ bí mật tắt thiết bị.

Bản thân Sun không lắp camera ở nhà bố mẹ anh vì anh không hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ này. Anh nói rằng mình thích công nghệ có thể gửi cảnh báo chính xác trong trường hợp khẩn cấp thay vì chỉ dựa vào camera.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, sự gia tăng phổ biến của các thiết bị giám sát trong nhà cũng làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và thông tin cá nhân khác, vì tin tặc có thể lấy và sử dụng chúng cho các mục đích bất hợp pháp.

Vào năm 2021, một tòa án có trụ sở tại Bắc Kinh đã kết án 5 năm tù một người đàn ông Trung Quốc vì đã xâm nhập vào 180.000 camera an ninh trên toàn cầu và kiếm được hơn 700.000 nhân dân tệ (gần 2,4 tỷ đồng) sau khi cấp quyền truy cập cho những người dùng khác.

Bình luận