Chờ...

Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại 2 vùng chiến sự nóng nhất toàn cầu?

VOH - Vừa làm trung gian hòa giải cho 2 phe phái Palestine chống cự nhau, là Fatah và Hamấm, Trung Quốc cũng đón tiếp ngoại trưởng Ukraine tới thăm.

Dù đã được ký, nhưng chưa rõ thỏa thuận giữa Hamas và Fatah có hiệu quả trên thực tế hay không, do những cam kết trong quá khứ đều thất bại. Về chuyến thăm của ngoại trưởng Ukraine, Trung Quốc nổi lên, củng cố vai trò trên thế giới không chỉ là cường quốc kinh tế.

c_China_Fatah_Hamas
Trung Quốc vừa làm trung gian kết nối thành công Fatah với Hamas - Ảnh Times of Israel

Trong lúc cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn ở mức cao, Bắc Kinh ngày càng đóng vai trò quan trọng, mà trước đây chỉ thuộc về các nước lớn như Hoa Kỳ và Nga.

Những sự kiện vừa qua, cộng với thỏa thuận năm 2023 kết nối Iran với Ả Rập Xê Út, cho thấy ngày càng nhiều bên muốn tìm sự hỗ trợ từ Trung Quốc, ngầm thừa nhận đất nước tỷ dân là thế lực ngoại giao đáng gờm.

Bà Carla Freeman, chuyên gia về Trung Quốc tại viện hòa bình Hoa Kỳ nói: “Trung Quốc đang chứng minh là nhà kết nối quốc tế và những nước khác phản ứng lại. Đây là sự công nhận, điều họ rất mong muốn, rằng Trung Quốc có ảnh hưởng lớn, có thể đóng vai trò quan trọng trong những tiến trình ngoại giao khác nhau.”

Ngày 23/7 vừa qua, Hamas và Fatah đã đồng ý về nguyên tắc cùng thành lập chính phủ, nhằm giải quyết bất đồng dai dẳng đang đe dọa tương lai dải Gaza khi chiến sự kết thúc. Các nỗ lực như vầy trước đây đều thất bại.

Theo ông Jon Alterman, Trung Quốc muốn nói rằng, họ có thể làm những việc không ai làm được, không ai nghĩ là có thể.

Mặc dù không can thiệp vào quá trình tái thiết Gaza sau xung đột, thỏa thuận trên là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định tại Trung Đông, thậm chí ở vị thế mà Hoa Kỳ cũng khó làm được. Các quan chức Hamas nói rằng, họ xem Trung Quốc là đối trọng tiềm tàng của Hoa Kỳ - nhà bảo trợ lớn nhất cho Israel.

Ông Danny Russel, phó chủ tịch viện chính sách xã hội châu Á cho biết, ảnh hưởng của Hoa Kỳ với các bên chủ chốt tại Trung Đông vẫn còn đáng kể, nhưng có 1 quốc gia mới, với cách tiếp cận thoải mái hơn với Hamas và Iran.

Chính phủ Hoa Kỳ thời gian qua, gặp nhiều tiếng nói chỉ trích từ nội bộ, về cách xử lý cuộc chiến tại Gaza, trong bối cảnh dân thường thiệt mạng nhiều. Các đồng minh của Hoa Kỳ ở Trung Đông cũng đang nghi ngờ về cam kết từ Washington, khi cuộc bầu cử tháng 11 đang tới gần.

Ngược lại, tại Bắc Kinh, ngoại trưởng Vương Nghị tỏ ra tự tin khi chụp hình chung với đại diện của Fatah và Hamas. Tời Global Times của Trung Quốc gọi thỏa thuận vừa đạt được, mang ý nghĩa đặc biệt.

Một ngày sau, ông Vương Nghị cũng chụp hình cùng người đồng cấp Ukraine – ông Dmytro Kuleba. Ông Kuleba nói Trung Quốc có vai trò lớn trong các vấn đề quốc tế.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói vào ngày 24/7: “Thỏa thuận giữa Fatah và Hamas sẽ mang lại hy vọng cho người dân Palestine. Đây là bước quan trọng để đạt được hòa bình và ổn định tại Trung Đông.”

Tuy vậy, ông Wang Jin, một học giả nghiên cứu về Israel tại đại học Tây Bắc ở thành phố Tây An cho biết, sự tham gia của 1 cường quốc không phải là phương Tây, có thể làm phức tạp thêm tình hình ở chảo lửa Israel-Hamas.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Matt Miller nói rằng, Washington khuyến khích Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng để ngăn chặn leo thang xung đột.

Theo 1 số chuyên gia, sau khi tổ chức thành công thế vận hội 2008, Trung Quốc đã quyết đoán hơn trên trường quốc tế. Đây là sự chuyển đổi so với giai đoạn “ẩn mình chờ thời” của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình.

Kể từ năm 2012, các nhà ngoại giao Trung Quốc bắt đầu thể hiện phong thái nước lớn mang đặc điểm Trung Quốc, vì lợi ích quốc gia, như: sáng kiến “Vành đai – Con đường”.

Chuyến thăm của ngoại trưởng Kuleba, có thể phản ánh sự lo ngại do tiến trình bầu cử ở Mỹ tạo ra, khiến Ukraine có xu hướng công nhận Trung Quốc là bên chính trong giải quyết xung đột, cùng với Hoa Kỳ và EU.

Ông Kuleba nói trong lần đầu thăm Trung Quốc từ khi chiến sự nổ ra: “Tôi tin rằng, nền hòa bình ở Ukraine nằm trong lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Vai trò của Trung Quốc như 1 lực lượng toàn cầu vì hòa bình là rất quan trọng.”

Trung Quốc hiện là một trong những đồng minh lớn nhất của Nga. Mặc dù khẳng định không viện trợ quân sự cho Moscow, nhưng Bắc Kinh duy trì mối quan hệ thương mại chặt chẽ với nước láng giềng trong suốt xung đột.

Ukraine dần hiểu rằng, không có sự ủng hộ từ Trung Quốc, bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào có lợi cho Kiev, cũng đều ngoài tầm với.

Chuyến thăm của ông Kuleba phản ánh tính toán trên. Ông James Char, chuyên gia từ đại học Nanyang ở Singapore nói: “Trong tương lai, nếu muốn có hòa bình, Ukraine cần nhận ra rằng Trung Quốc là 1 bên rất quan trọng.”

Ông Derek Grossman, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức tư vấn RAND Corporation cho biết, mặc dù ảnh hưởng của Bắc Kinh đang gia tăng, nhưng họ có cách tiếp cận thận trọng hơn nhiều so với Hoa Kỳ.

Ông nói: “12 năm qua đã chứng minh rằng, Trung Quốc hiện là cường quốc trên thế giới. Nhưng ngay cả khi họ muốn xây dựng ảnh hưởng của mình ở khắp nơi, họ không muốn vác gánh nặng từ việc có ảnh hưởng ở nhiều nơi.”