Trung Quốc đạt bước tiến lớn trong việc xây dựng trạm không gian riêng

(VOH) - Trung Quốc vừa phóng thành công module quan trọng của dự án xây dựng trạm không gian đầu tiên của nước này. Đây là bước tiến mới nhất của Bắc Kinh trong tham vọng chinh phục không gian.

Theo đó, vào 11 giờ 23 phút ngày 29/4 (giờ địa phương, tức 10 giờ 23 phút giờ Hà Nội), tên lửa Trường Chinh 5B mang theo module Thiên Hà - module lõi của trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc đã được phóng thành công tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Văn Xương ở tỉnh Hải Nam. Đây là một trong những module quan trọng nhất của dự án, có kích thước 16,6 x 4,2 mét và tích hợp cả khu vực dành cho các phi hành gia.

Sự kiện này được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia và nền tảng truyền thông xã hội. Ước tính, có hơn 12 triệu lượt xem qua mạng xã hội.

Trung Quốc đạt bước tiến lớn trong việc xây dựng trạm không gian riêng
Tên lửa Trường Chinh 5B mang theo module Thiên Hà rời bệ phóng ngày 29/4/2021. Ảnh: CCTV
Trung Quốc đạt bước tiến lớn trong việc xây dựng trạm không gian riêng
Module lõi mang tên Thiên Hà của Trung Quốc được phóng thành công. Ảnh: CCTV

Năm 2003, Trung Quốc đánh dấu bước ngoặt trong kế hoạch chinh phục vũ trụ của mình khi lần đầu tiên đưa thành công phi hành gia vào không gian. Trước đó chỉ có Liên bang Xô Viết (cũ) và Nga là hai quốc gia trên thế giới làm được điều này.

Tuy bắt đầu trễ hơn nhưng Trung Quốc liên tục có những bước tiến đáng ghi nhận trong ngành khoa học vũ trụ khi lần lượt phóng thành công hai trạm không gian là Thiên Cung 1 và Thiên Cung 2 vào quỹ đạo. Đây là những trạm không gian thử nghiệm, có thời gian vận hành ngắn.

Với dự án xây dựng trạm không gian mới nhất, Trung Quốc đặt mục tiêu thời gian hoạt động của trạm lên đến 10 năm.

Sau sự kiện phóng thành công module lõi mang tên Thiên Hà, sắp tới Bắc Kinh sẽ tiếp tục triển khai thêm 10 lần phóng tương tự và các module sẽ lần lượt được đưa vào vũ trụ, xây dựng nên trạm không gian Thiên Cung hình chữ T nặng 90 m và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2022. Khi đưa vào hoạt động, trạm không gian Thiên Cung sẽ có quỹ đạo cách Trái Đất ở độ cao từ 340 đến 450 km.

Trung Quốc đạt bước tiến lớn trong việc xây dựng trạm không gian riêng
Hình ảnh mô phỏng trạm không gian mới của Trung Quốc khi hoàn thành, được trình chiếu tại Bảo tàng Khoa học công nghệ quốc gia ngày 24/4/2021. Ảnh: Reuters

Hiện nay chỉ có một trạm không gian duy nhất đang vận hành trong quỹ đạo là Trạm Không gian Quốc tế (ISS), tuy nhiên Trung Quốc không tham gia hoạt động tại trạm không gian này.

ISS là kết quả từ sự hợp tác của 5 cơ quan không gian: NASA (Mỹ), RKA (Nga), JAXA (Nhật Bản), CSA (Canada)  và 10 trong 17 nước thành viên của ESA (châu Âu). Dự kiến ISS sẽ dừng hoạt động sau năm 2024, lúc đó có thể Thiên Cung của Trung Quốc sẽ là trạm không gian duy nhất còn hoạt động trong quỹ đạo của Trái Đất.

Việc phóng module Thiên Hà được triển khai khoảng một tháng sau khi Trung Quốc và Nga công bố kế hoạch hợp tác xây dựng trạm không gian mới trên bề mặt của Mặt Trăng.

Chen Lan - nhà phân tích chuyên nghiên cứu các chương trình không gian của Trung Quốc, nhận định lần hợp tác Nga - Trung này là “dự án hợp tác quốc tế về không gian lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, có vai trò vô cùng quan trọng.”

Những năm gần đây, những tham vọng và chương trình phát triển hàng không vũ trụ của Trung Quốc không phải là điều bí mật. Nước này đã dành ra những khoản chi rất lớn vào những chương trình này. Năm 2019, Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên đưa thành công thiết bị không người lái lên Mặt Trăng.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực chinh phục không gian của đất nước. Ngoài ra, các phương tiện truyền thông nhà nước của Trung Quốc thường nhận định “giấc mơ không gian” là một bước trên con đường “đại tu, kiến thiết đất nước.”