Trung Quốc di dời cả một thị trấn ở Hồ Nam do vỡ đê

TRUNG QUỐC - Sau vụ vỡ đê vào tháng 7 tại thị trấn Tuấn Châu, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc, chính quyền tỉnh đang có kế hoạch di dời toàn bộ khu vực để duy trì cuộc sống ổn định cho người dân.

Các chuyên gia tin rằng đây là giải pháp lâu dài và thể hiện triết lý chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

vo-de-270824
Một bức ảnh chụp vào ngày 6/7/2024 cho thấy, lực lượng cứu hộ đang chặn một con đê bị vỡ ở hồ Động Đình thuộc thị trấn Tuấn Châu, huyện Hoa Dung thuộc thành phố Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc - Ảnh: Xinhua

Ngày 25/8, Chính quyền tỉnh Hồ Nam thông báo rằng, công tác tái thiết sau thảm họa của thị trấn Tuấn Châu đang được tiến hành theo trình tự và đang lên kế hoạch di dời toàn bộ cư dân sống trong khu vực chứa lũ.

Trước đó, vào ngày 5/7, mưa lớn đã khiến đê hồ Động Đình ở thị trấn Tuấn Châu bị vỡ, khiến khoảng 5.000 cư dân phải di dời ngay lập tức, theo Tân Hoa Xã.

Mặc dù các khu vực bị ảnh hưởng đang trong quá trình tái thiết, nhưng khó có thể đảm bảo rằng thảm họa sẽ không xảy ra lần nữa trong tương lai. Do đó, di dời là giải pháp ‘một lần và mãi mãi’ giúp bảo vệ người dân địa phương khỏi nguy cơ lũ lụt trong tương lai và giải thoát họ khỏi mối đe dọa lâu dài đối với sinh kế và sản xuất - Ma Jun, Giám đốc Viện Công chúng và Môi trường có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với tờ Global Times.

Chính quyền địa phương cho biết thị trấn Tuấn Châu dự kiến ​​sẽ phát triển một dự án thí điểm để di dời cư dân khu vực chứa lũ. Điều này sẽ cung cấp một cơ chế hiệu quả để di dời cư dân nhằm đảm bảo rằng, họ không chỉ di chuyển khỏi các khu vực bị ảnh hưởng mà còn được hưởng một môi trường thuận lợi hơn.

Ông Ma lưu ý rằng, việc di dời liên quan đến một số thách thức nhất định, đặc biệt là đối với người già và trẻ em địa phương, những người có thể có sự khác biệt về ngôn ngữ và thói quen sinh hoạt. Do đó, chính quyền nên chú trọng đến nhu cầu thích nghi với môi trường mới.

Bình luận