Trung Quốc: Lũ lớn dâng tới chân tượng Phật ngàn năm, 100.000 người sơ tán khẩn cấp

(VOH) - Lần đầu tiên sau hàng chục năm, di sản thế giới là tượng Phật khổng lồ 1.200 năm tuổi tại tỉnh Tứ Xuyên bị nước lũ dâng cao đe dọa. Hơn 100.000 người đã phải sơ tán khẩn cấp khỏi khu vực.

Tọa lạc tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên thuộc phía Tây Nam Trung Quốc, công trình Lạc Sơn Đại Phật là bức tượng Đức Phật bằng đá cao nhất thế giới, được tạc vào vách đá Thuê Loan của núi Lăng Vân, đối diện với núi Nga Mi và dòng sông Dương Tử chảy ngay dưới chân Phật.

Bức tượng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, cao 71 m và được xây dựng từ đời Đường. Cho đến nay bức tượng vẫn còn nguyên vẹn dù đã trải qua 1.200 năm tuổi.

Tuy vậy, theo truyền hình nhà nước CCTV, kể từ năm 1949 đến nay thì đây là trận lũ nghiêm trọng đầu tiên tại Trung Quốc có mực nước lũ dâng tới chân tượng Phật, đe dọa cả khu vực rộng lớn xung quanh. Hiện các nhân viên của khu di tích, cảnh sát và tình nguyện viên đang sử dụng tạm thời đê bao để bảo vệ bức tương.  

Tỉnh Tứ Xuyên hiện đã tăng mức độ cảnh báo lên mức cao nhất vào ngày 18/08 trước tình hình mưa lũ diễn tiến phức tạp. Ngoài ra, Ủy ban Thủy lợi Dương Tử - cơ quan chính phủ phụ trách quản lý con sông cùng tên cũng đã công bố mức báo động đỏ, cho biết mực nước ở một số trạm quan sát dự kiến có thể vượt mức an toàn là 5m.

Sông Dương Tử hay còn gọi là sông Trường Giang là con sông dài nhất Trung Quốc. Con song này đã trải qua 4 trận lũ lớn trong năm nay và trận lũ thứ 5 mới nhất này có thể sẽ là trận lụt tồi tệ nhất, theo cơ quan thủy lợi cảnh báo.

Trung Quốc: Lũ lớn dâng tới chân tượng Phật ngàn năm, 100.000 người sơ tán khẩn cấp
Cảnh nước lũ dâng tới chân tượng Phật khổng lồ ở Lạc Sơn, Tứ Xuyên. Ảnh: ChinaNews

Mặt khác, đập Tam Hiệp - siêu đập thủy điện lớn nhất thế giới vốn được thiết kế nhằm chế ngự một phần lũ trên sông Dương Tử - được dự báo sẽ có mực nước chảy đạt đến 74.000 m3/giây vào hôm nay ngày 19/08 - mức cao nhất kể từ con đập được xây dựng và đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, mực nước trong đập Tam Hiệp trong hơn một tháng qua cũng đang ở mức cao hơn mức cảnh báo chính thức đến 10m, gây nên nhiều mối lo ngại về sự an toàn của con đập và toàn bộ vùng lãnh thổ xung quanh. Trước tình hình này, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã buộc phải tăng lưu lượng xả lũ vào thứ Ba ngày 18/08 nhằm giảm áp lực cho con đập.

Đập Tam Hiệp có quy mô rất lớn và là đập thủy điện lớn nhất thế giới. Hồ chứa mà đập tạo ra có diện tích bề mặt hơn 1.000km2. Công trình này thậm chí được cho là có thể làm chậm vòng quay của Trái đất vì khối lượng nước dự trữ trong hồ vô cùng lớn.

Để thực hiện công trình này, 1,2 triệu người dân Trung Quốc đã buộc phải tái định cư hoặc tìm nơi ở mới. Hiện chính phủ Trung Quốc vẫn đang di dời người dân ra khỏi khu vực và dự kiến sẽ chuyển đi thêm hàng trăm nghìn người nữa trong những năm tới đây. Ước tính, tổng chi phí xây dựng đập vào khoảng 25 tỷ USD nhưng một số ý kiến cho rằng con số này phải lên đến 37 tỷ USD.

Trung Quốc: Lũ lớn dâng tới chân tượng Phật ngàn năm, 100.000 người sơ tán khẩn cấp
Đập Tam Hiệp là công trình đập thủy điện đồ sộ lớn nhất thế giới. Ảnh: CNN

Các nhà chức trách Trung Quốc luôn cho rằng hệ thống các đập và hồ chứa khổng lồ được xây dựng dọc theo vùng thượng lưu sông Dương Tử đã bảo vệ cả khu vực này khỏi những trận lũ lụt nghiêm trọng nhất trong năm nay, tuy nhiên các chuyên gia lại cho rằng việc xây dựng như vậy thực chất không mang lại hiệu quả mà chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong những đợt mưa lũ lịch sử kéo dài như năm nay.

Kể từ tháng 6 đến nay, Trung Quốc đã trải qua nhiều đợt lũ lụt nghiêm trọng với hơn 63 triệu người bị ảnh hưởng, gây thiệt hại kinh tế lên tới 178 tỉ nhân dân tệ (26 tỉ USD), theo thông tin trên website của Bộ Quản lý Khẩn cấp nước này. 

Thanh Duyên