Trung Quốc phát động chiến dịch toàn quốc chống lãng phí thức ăn

(VOH) - Trung Quốc đang tăng cường các biện pháp nhằm chống lãng phí thức ăn sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo đó, số lượng thực phẩm khổng lồ bị bỏ phí khiến ông “bàng hoàng và xót xa”.

Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới đang phát động chiến dịch “Dọn sạch dĩa” trên toàn quốc, sau lời kêu gọi của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông Tập nhấn mạnh đại dịch Covid-19 đã “going lên hồi chuông cảnh báo” về tình trạng lãng phí thức ăn.

Theo ông Tập, Trung Quốc cần phải cố gắng “duy trì cảnh giác về nguy cơ của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực” trong cả nước. Điều này được đưa ra sau nhiều tuần kể từ khi nước này trải qua đợt mưa lũ nghiêm trọng khắp khu vực miền nam, khiến mùa màng bị tàn phá và hàng ngàn tấn lương thực dự trữ bị phá hủy hoàn toàn.  

Hưởng ứng thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình, Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Vũ Hán đã kêu gọi các nhà hàng, quán ăn trong thành phố phải giới hạn số thực phẩm phục vụ bằng cách thực hiện chương trình N-1, trong đó số món ăn được yêu cầu phải ít hơn ít nhất 1 món so với số lượng khách đến dùng bữa. Ví dụ, một nhóm gồm 10 thực khách chỉ được gọi tối đa 9 món ăn.

Trung Quốc phát động chiến dịch toàn quốc chống lãng phí thức ăn

Với dân số đông nhất thế giới, Trung Quốc đang đặt ra nhiều biện pháp nhằm tránh lãng phí thức ăn, đặc biệt trong thời kỳ dịch Covid-19 và thiên tai liên tiếp như hiện nay. Ảnh: China Daily

Tuy nhiên, ý tưởng về chương trình N-1 được đánh giá là sẽ khó thực hiện, “quá cứng nhắc” và cần nhiều thời gian để thay đổi, đặc biệt đối với văn hóa ăn uống của người Trung Quốc nói riêng và nhiều nước châu Á nói chung, khi thường phải gọi nhiều thức ăn hơn cần thiết mới được xem là lịch sự và đúng mực.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng theo quy định trên, thì sẽ giải quyết thế nào nếu khách chỉ đến một mình dùng bữa là điều người dân Trung Quốc quan tâm. “Nếu bạn đến một mình thì bạn sẽ gọi thức ăn thế nào? Nếu bớt đi một món so với 1 thì còn 0 món - tức là không được ăn sao?”, một người dùng mạng Weibo thắc mắc.

Ngoài ra, người dân nước này cũng cho rằng thực tế thực khách đến nhà hàng, quán ăn thường ít khi bỏ phí thức ăn, mà số lượng thực phẩm bị bỏ phí phần lớn thường đến từ những bữa tiệc đắt đỏ, xa hoa của giới quan chức.

Thậm chí, với tên gọi của chiến dịch là “Dọn sạch dĩa” cũng là một vấn đề. Đối với văn hóa Á Đông, việc ăn sạch thức ăn trên bàn đôi khi bị xem là bất lịch sự và người mời đã không chu đáo khi không chuẩn bị đủ lượng thức ăn cho khách.

Thời báo Hoàn cầu - cơ quan báo chí nhà nước Trung Quốc đang đẩy mạnh truyền thông trong công tác chống lãng phí thức ăn, đồng thời phủ nhận thông tin cho rằng Trung Quốc đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, vì sẽ khiến tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp hơn.

Ngoài ra, một số kênh truyền hình tại Trung Quốc như CCTV cũng lên tiếng chỉ trích một số hoạt động truyền thông thương mại không phù hợp trong bối cảnh hiện nay, ví dụ như các chương trình livestream (phát trực tiếp) trong đó nhân vật phải tiêu thụ một lượng lớn thức ăn. Hình thức này được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới với tên gọi là các video thuộc thể loại “Mukbang” - thuật ngữ bắt nguồn từ Hàn Quốc, trong đó nhân vật chính sẽ tự quay mình, tự ăn một số lượng lớn thực phẩm và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội. Theo CCTV, nhiều người trong số này thực chất không thể tiêu thụ một lượng lớn thức ăn như thế, chỉ quay video vì lợi nhuận và sau đó là bỏ phí thức ăn.

Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Bắc Kinh phát động chiến dịch toàn quốc chống lãng phí thực phẩm. Năm 2013, một chiến dịch tương tự cũng đã được thực hiện, tuy nhiên mục tiêu nhắm đến là vào các bữa tiệc chiêu đãi xa hoa do các quan chức tổ chức, thay vì tập trung vào đông đảo dân chúng như năm nay. Theo thống kê từ tổ chức World Wildlife Fund Trung Quốc, khoảng 17 - 18 triệu tấn thực phẩm đã bị lãng phí ở quốc gia này vào năm 2015.

Bình luận