Tập đoàn Điện hạt nhân Trung Quốc (China General Nuclear Power Group, CGN) vừa chính thức mở hệ thống đặt chỗ trực tuyến, cho phép người dân nước này tham quan 9 nhà máy điện hạt nhân hàng đầu trên khắp cả nước, trong đó có 1 cơ sở ở Phòng Thành Cảng, Quảng Tây, tiếp giáp với Việt Nam.
Đây là hệ thống đặt chỗ du lịch đầu tiên của ngành điện hạt nhân Trung Quốc. Việc mở hệ thống được tổ chức cùng thời điểm với sự kiện CGN công bố “Sách Trắng du lịch ngành điện hạt nhân” nhân ngày trải nghiệm dành cho công chúng hôm 7/8. Đây cũng là sách trắng đầu tiên về du lịch điện hạt nhân của nước này.
Cuốn sách bao gồm các thông tin du lịch dành cho khách tham quan, như bản đồ tuyến du lịch của 9 cơ sở điện hạt nhân.
Ngoài mục đích thúc đẩy du lịch địa phương, CGN cũng mong muốn cách làm này có thể nâng cao lòng tin của công chúng vào ngành điện hạt nhân.

Sự ra đời và phát triển của các nhà máy điện hạt nhân là thành tựu của quá trình công nghiệp hóa hiện đại của Trung Quốc, và là nền tảng quan trọng cho giáo dục khoa học công nghệ tại nước này, theo Thời báo Hoàn cầu. Những công trình này cũng có sức hút du lịch đối với những du khách yêu thích khám phá.
Ngày 7/8/1987, nhà máy điện hạt nhân Dayawan ở Thâm Quyến chính thức được khởi công xây dựng. Đây là nhà máy điện hạt nhân thương mại quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc.
Từ năm 2013, CGN lấy ngày 7/8 là ngày trải nghiệm cộng đồng. Đến nay, sự kiện này đã tổ chức được 20 lần.
Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng những chuyến tham quan nhà máy điện hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của Trung Quốc và các mục tiêu carbon kép của quốc gia này.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc, sản lượng điện hạt nhân tại Trung Quốc đại lục đã đạt 440.000 gigawatt/h vào năm 2023, chiếm gần 5% tổng sản lượng điện quốc gia.
Trung Quốc có kế hoạch xây dựng 150 lò phản ứng hạt nhân mới từ năm 2020-2035. Tính đến tháng 4/2024, có 26 lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng ở nước này. Bắc Kinh hiện đang nỗ lực phát triển ngành năng lượng hạt nhân, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon, tức loại bỏ hoàn toàn khí nhà kính vào năm 2060.