Các mẫu gạch sẽ được phóng lên bằng tên lửa chở hàng hướng đến trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc, một phần trong sứ mệnh đưa con người lên Mặt Trăng của Bắc Kinh vào năm 2030 và xây dựng căn cứ cố định tại đó vào năm 2035.
Đây là một nhiệm vụ khó khăn: bất kỳ công trình nào cũng phải chịu được lượng lớn bức xạ vũ trụ, sự thay đổi nhiệt độ khắc nghiệt và động đất trên Mặt Trăng. Việc vận chuyển vật liệu xây dựng đến đó ngay từ đầu cũng là một thủ tục tốn kém.
Các nhà khoa học từ một trường đại học ở trung tâm tỉnh Vũ Hán hy vọng rằng, việc xây dựng căn cứ trên Mặt trăng có thể là giải pháp cho những vấn đề đó.
Họ đã tạo ra một loạt các mẫu gạch được làm từ nhiều thành phần vật liệu khác nhau có trên Trái đất, chẳng hạn như đá bazan, mô phỏng các đặc tính của đất trên Mặt Trăng.
Những mảnh gạch này sẽ phải trải qua một loạt các thử nghiệm nghiêm ngặt khi chúng đến trạm vũ trụ Thiên Cung.
Zhou Cheng, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán cho biết: "Nói một cách đơn giản, chúng tôi đưa (vật liệu) vào không gian và để nguyên ở đó... để xem độ bền và hiệu suất của nó có giảm sút trong điều kiện môi trường khắc nghiệt hay không".
Nhiệt độ trên Mặt Trăng có thể thay đổi đáng kể trong khoảng từ 180 đến -190 độ C. Do không có bầu khí quyển nên hành tinh này phải hứng chịu lượng lớn bức xạ vũ trụ cũng như các thiên thạch nhỏ, trong khi động đất trên Mặt Trăng có thể làm suy yếu bất kỳ cấu trúc nào trên bề mặt của nó.
Thí nghiệm sẽ kéo dài trong 3 năm, các mẫu được gửi về để thử nghiệm hàng năm.
Nhóm của giáo sư Zhou đã phát triển nguyên mẫu gạch của họ sau khi phân tích mẫu đất do tàu thăm dò Chang'e-5 của Trung Quốc mang về, đây là sứ mệnh đầu tiên trên thế giới sau 4 thập kỷ thu thập mẫu vật từ Mặt Trăng.
Ông cho biết, những viên gạch đen thu được có độ bền gấp ba lần so với gạch thông thường và có thể ghép lại với nhau mà không cần chất kết dính.
Nhóm nghiên cứu cũng đã phát triển "Lunar Spider", một robot in 3D để xây dựng các công trình trong không gian, một số công trình có hình nón.
"Trong tương lai, kế hoạch của chúng tôi chắc chắn là sử dụng các nguồn tài nguyên tại chỗ, tức là sản xuất gạch trực tiếp từ đất trên Mặt Trăng, sau đó thực hiện nhiều phương án xây dựng khác nhau, do đó chúng tôi sẽ không phải mang vật liệu từ Trái Đất", giáo sư Zhou cho biết.
Jacco van Loon, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Keele ở Anh, cho biết đây "là điều hiển nhiên cần thử" vì sử dụng các vật liệu đã có trên Mặt Trăng sẽ rẻ hơn nhiều. "Các thí nghiệm có khả năng thành công cao và kết quả sẽ mở đường cho việc xây dựng các căn cứ trên mặt trăng", ông nói với AFP.