Ngày 25/9, Reuters đăng bài phỏng vấn Trung tướng Alexander Sollfrank, người đứng đầu Bộ chỉ huy hậu cần JSEC của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong đó, tướng Sollfrank tiết lộ kịch bản trong tương lai về việc sơ tán y tế trong trường hợp NATO có chiến tranh với Nga.
Chỉ huy người Đức nhấn mạnh kịch bản sơ tán y tế này sẽ khác với kinh nghiệm của các đồng minh khi can dự vào Afghanistan và Iraq.
Nếu xảy ra xung đột với Nga, quân đội các nước phương Tây có thể phải đối mặt với một khu vực chiến sự lớn hơn nhiều. Số lượng binh sĩ bị thương cao hơn và có thể sẽ tạm thời thiếu ưu thế trên không gần tiền tuyến.
Tướng Sollfrank chỉ ra thách thức lúc đó sẽ là cần nhanh chóng “đảm bảo chăm sóc y tế chất lượng cao cho số lượng lớn binh sĩ bị thương trong trường hợp xấu nhất”.
Việc lập kế hoạch sơ tán y tế là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhiều của NATO nhằm cải tổ và tăng cường khả năng ngăn chặn, phòng thủ trước bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra tháng 2/2022.
Theo Hãng tin Reuters, quân đội Đức cho rằng Nga có thể tấn công một quốc gia thành viên liên minh quân sự NATO sớm nhất vào năm 2029.
Ông Sollfrank hiện điều hành Bộ tư lệnh hỗ trợ chung (JSEC) của NATO, có nhiệm vụ điều phối việc di chuyển nhanh chóng binh sĩ và xe tăng trên khắp châu Âu cũng như các hoạt động chuẩn bị hậu cần, như lưu trữ đạn dược ở sườn phía đông của NATO.
JSEC có trụ sở tại thị trấn Ulm ở phía nam Đức. Gần đây bộ tư lệnh hậu cần này đã tổ chức một cuộc diễn tập về điều phối luồng bệnh nhân.
Trong lưu ý của ông Sollfrank về trường hợp chiến tranh với Nga, binh sĩ NATO bị thương khi đó sẽ cần được vận chuyển ở khoảng cách lớn hơn so với các cuộc chiến khác trong những năm gần đây.
Lúc đó hệ thống phòng không và máy bay của Nga sẽ là mối đe dọa đối với các chuyến bay sơ tán y tế. Điều này có thể khiến NATO cần tới các đoàn "tàu bệnh viện" trên đường sắt, có thể vận chuyển nhiều binh sĩ thương vong cùng lúc hơn là máy bay.
Chỉ huy JSEC cho biết "Cần cân nhắc mọi phương án liên quan tới việc vận chuyển số lượng lớn binh sĩ bị thương đến các cơ sở y tế. Các phương án này gồm cả tàu hỏa và có khả năng là xe buýt".
Ông cũng gợi ý một "khu vực Schengen quân y" - tương tự "khu vực Schengen chính trị" cho phép tự do di chuyển trong hầu hết Liên minh châu Âu giúp giải quyết vấn đề khác biệt quy định y tế giữa các nước.