"Ukraine kỳ vọng Anh, Trung Quốc, Mỹ và Pháp có hành động hiệu quả để phản ứng với sự đe dọa hạt nhân từ Nga. Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lập tức họp bất thường vì mục tiêu này", Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 26/3 cho biết.
Anh, Trung Quốc, Mỹ, Pháp và Nga là 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an. Quyền này giúp họ có thể chặn các nghị quyết được thông qua, bất kể nó nhận được bao nhiêu phiếu ủng hộ tại Hội đồng.
Ngày 25/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố quyết định về việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Thông điệp này được xem là lời cảnh báo đến NATO và phương Tây về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Theo Hãng tin Reuters, động thái này không gây bất ngờ. Tổng thống Nga khẳng định kế hoạch này không vi phạm các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân. Đây là một trong những tín hiệu hạt nhân rõ ràng nhất của Nga kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt ở Ukraine từ tháng 2/2022.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus từ lâu đã yêu cầu triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga ở quốc gia này.
Quân đội Belarus chưa chính thức tham chiến ở Ukraine, tuy nhiên Belarus đã cho phép Nga sử dụng lãnh thổ của mình để đưa quân vào Ukraine năm ngoái.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn.
Trợ lý của Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cáo buộc lãnh đạo Nga "vi phạm hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân".
NATO chỉ trích Nga đưa ra các tuyên bố hạt nhân "nguy hiểm, vô trách nhiệm". "NATO cảnh giác và đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Chúng tôi chưa thấy Nga có động thái hạt nhân nào khiến chúng tôi phải điều chỉnh để ứng phó", người phát ngôn NATO nói.