Trước đó vào ngày thứ hai 5/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh đóng băng tài sản của chính phủ Venezuela ở Mỹ và ngăn không cho công dân Mỹ giao dịch kinh doanh với chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro. Động thái này được cho là làm gia tăng áp lực buộc ông Maduro phải từ chức.
Chính quyền của ông Maduro tuyên bố nước này sẽ không cử phái đoàn tham dự đàm phán nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị ở Venezuela với các đồng minh của lãnh đạo phe đối lập - Juan Guaido.
Trước đó, hai bên bắt đầu gặp nhau ở Venezuela vào tháng 7 vừa qua để tìm cách giải quyết vấn đề chính trị kéo dài dai dẳng ở quốc gia Nam Mỹ này.
“Người Venezuela đã nhận ra những hành động mà lãnh đạo của phe đối lập, Juan Guaido, thúc đẩy và tung hô làm tổn hại chủ quyền quốc gia như thế nào. Venezuela sẵn sàng xem xét lại cơ chế của quy trình này để quyết định xem việc tiếp tục có hiệu quả và phù hợp với lợi ích của người dân hay không", trích thông cáo của Bộ Thông tin Venezuela.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (trái) và lãnh đạo đối lập Juan Guaido (Ảnh: Reuters)
Juan Guaido, người được hơn 50 quốc gia, trong đó có Mỹ, công nhận là người lãnh đạo hợp pháp của Venezuela, phát biểu trong một cuộc biểu tình vào thứ Tư (7/8) cho biết các lệnh trừng phạt là “hình phạt cho những kẻ ăn cắp và kiếm lợi từ sự khốn khổ”.
Vào tháng 1 năm nay, ông Guaido đã tự nhận mình là Tổng thống lâm thời của Venezuela, đối đầu với ông Maduro với lý do Maduro được tái đắc cử vào năm 2018 là do gian lận.
Ông Guaido phát biểu rằng Maduro có thể giúp đất nước bằng cách rời bỏ dinh Tổng thống - Miraflores và sau đó “các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ vào ngày mai."