Vì sao Argentina trở thành đồng minh hàng đầu của Israel tại Mỹ Latinh?

VOH - Khi Hamas tấn công Israel tháng 10/2023, cử tri Argentina đang hướng đến vòng 1 cuộc bầu cử Tổng thống. Các chính trị gia và ứng viên đã nhanh chóng lên Twitter bày tỏ suy nghĩ.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Alberto Fernandez, ứng cử viên Sergio Massa, Patricia Bullrich, Juan Schiaretti và Javier Milei, đã bày tỏ tình đoàn kết với Israel và lên án nhóm vũ trang Palestine. Không có bài đăng nào đề cập đến Gaza, Palestine hoặc người Palestine.

c_Argentina
Argentina đang là quốc gia ủng hộ Israel bậc nhất tại Mỹ Latinh - Ảnh: Google map

Ủng hộ Israel là quan điểm chủ đạo trong số các ứng viên Tổng thống Argentina. Chính quyền ông Milei mới nhậm chức cũng áp dụng chính sách đối ngoại như vậy. Điều này khác so với những quốc gia Mỹ Latinh còn lại, như Brazil, Ecuador, Mexico hay Bolivia.

Khi Israel tiến vào Gaza, gây ra thảm họa nhân đạo, quan hệ giữa Mỹ Latinh và nhà nước Do Thái ngày càng căng thẳng. Dẫu vậy, chính phủ Argentina của ông Milei vẫn kiên định lập trường.

Cần nhắc lại vào năm 2010, chính phủ Argentina của Tổng thống Cristina Fernandez De Kirchner đã công nhận nhà nước Palestine. Quyết định trên khiến hàng loạt quốc gia Mỹ Latinh khác làm theo. Điều đó có thể giải thích, quan điểm ủng hộ Israel hiện nay, chủ yếu phụ thuộc mỗi chính trị gia cầm quyền. Ví dụ cánh hữu hay cánh tả.

Các Tổng thống cánh hữu thường có xu hướng ủng hộ Israel. Ví dụ ông Jair Bolsonaro ở Brazil. Tổng thống Milei ở Argentina cũng vậy.

Ông Milei nhiều lần thể hiện tình cảm với Israel. Ví dụ vẫy cờ Israel trong quá trình tranh cử. Ngay khi nhậm chức, ông chọn Israel tới thăm đầu tiên và muốn chuyển đại sứ quán Argentina đến Jerusalem. Ngoài ra, ông muốn bỏ phiếu chống lại tư cách thành viên Liên Hợp Quốc của Palestine.

Trong cuộc gặp ngày 7/2/2024, thủ tướng Benjamin Netanyahu ca ngợi ông Milei là người bạn tuyệt vời của nhà nước Do Thái.

Về mối quan hệ Argentina-Israel, có rất ít bằng chứng cho thấy cộng đồng người Do Thái ở Argentina đã vận động hành lang hoặc tác động theo cách nào đó. Trong lịch sử, Argentina luôn áp dụng cách tiếp cận trung lập hoặc ủng hộ giải pháp 2 nhà nước. Cộng đồng người Do Thái chiếm chưa tới 1% dân số Argentina, và cũng chia rẽ về quan điểm.

Theo một số học giả, quan hệ Argentina-Israel bắt đầu có điểm sáng từ cuối thập niên 1970. Tháng 8/1978, ba vị tướng của quân đội Israel đã đến Argentina để trao đổi về hợp tác an ninh. Năm 1981, Argentina mua từ Israel 17% tổng vũ khí nhập khẩu. Quan hệ quốc phòng tiếp tục tốt đẹp trong thập niên 1980.

Những năm 1990, quân đội Argentina trải qua quá trình cắt giảm đầu tư và mua sắm. Năm 1992 và 1994, một số vụ khủng bố đã nhằm vào đại sứ quán Israel và cộng đồng Do Thái tại Argentina. Quan chức 2 nước xem Iran đứng sau những hành động này. Các tài liệu giải mật gần đây của tình báo Argentina nói rằng, Iran và Hezbollah đứng sau 2 vụ tấn công.

Đầu thập niên 2000, hợp tác quân sự 2 bên được nối lại. Các trường của lực lượng vũ trang Argentina bắt đầu sử dụng vũ khí mua từ Israel để huấn luyện.

Như vậy, hợp tác về quốc phòng và tình báo giữa 2 nước đã bắt đầu từ lâu, được dự đoán sẽ phát triển hơn nữa dưới thời Tổng thống Milei.

Bình luận