Tháng 3/2023, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã gửi báo cáo dự thảo về các quy tắc hạn chế. Tháng 4, ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh của Tổng thống Joe Biden, đã chia sẻ chính sách này trong 1 bài phát biểu. Một lệnh hành pháp từ Tổng thống Biden dự kiến sẽ được đưa ra. Các đồng minh của Mỹ đang cân nhắc những hạn chế tương tự. Ngày 20/6, Ủy ban Châu Âu công bố kế hoạch sơ khai, dự kiến sẽ áp dụng vào cuối năm nay.
Khi sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Biden được đưa ra, có khả năng tập trung hạn chế đầu tư ở 3 lĩnh vực nhạy cảm: Chất bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Các quy tắc được dự đoán sẽ ảnh hưởng 1 phần nhỏ tới đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, trị giá hơn 1.000 tỷ USD tính đến cuối năm 2021. Theo dữ liệu từ Rhodium Group, các công ty Mỹ đã bỏ ra 120 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc, và 62 tỷ USD đầu tư mạo hiểm trong thập kỷ qua.
Nhiều khoản đầu tư đã mang đến lợi ích cho ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Những người ủng hộ hạn chế cho rằng, quy tắc kiểm soát đầu tư ra nước ngoài là cần thiết, giúp ngăn công ty Trung Quốc sở hữu công nghệ hiện đại, và giữ ưu thế cho công ty sản xuất của Mỹ.
Theo một số thống kê, giai đoạn 2015 - 2021, những nhà đầu tư Mỹ, như Intel và Qualcomm, đã cung cấp 37% trong số 110 tỷ USD vốn mà các công ty AI của Trung Quốc huy động được.
Rủi ro an ninh quốc gia từ các khoản đầu tư như vậy, đang là câu hỏi mở. Một số người gợi ý chính quyền Tổng thống Biden, nên đưa ra các chỉ thị chắc chắn hơn, trước khi yêu cầu những nhà quản lý tài sản và quỹ hưu trí, vốn thường xuyên tiếp xúc với hàng trăm quỹ đầu tư toàn cầu, hạn chế công ty công nghệ Trung Quốc trong danh mục sẽ đổ tiền vào.
Mặc dù chính sách của tổng thống Biden về đầu tư ra nước ngoài, được cho là liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng không ít tiếng nói cứng rắn bên ngoài Nhà Trắng, coi việc sàng lọc này, như một công cụ cho chính sách công nghiệp.
Năm 2021, một nhóm nghị sĩ lưỡng đảng đã đưa ra dự luật kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, có phạm vi đủ rộng để ảnh hưởng đến hơn 40% đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Tháng trước, phiên bản cập nhật của dự luật trên đã được công khai. Nội dung là muốn thiết lập các hạn chế đối với đầu tư không chỉ vào công nghệ tiên tiến, mà còn các ngành công nghiệp như sản xuất ô tô và dược phẩm, đồng thời trao cho Nhà Trắng quyền mở rộng danh mục.
Một số người cho rằng, sự chậm trễ trong sắc lệnh hành pháp của tổng thống Biden, do khó nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia đồng minh. Hội nghị G7 vào tháng 5 ở Hiroshima, chỉ đưa ra 1 cam kết chung chung về vấn đề này. Tuy nhiên thời gian gần đây, đã bắt đầu có sự thay đổi. Châu Âu đang tăng cường biện pháp tự bảo vệ. Mười tám trong số 27 thành viên EU đã soạn thảo quy tắc như vậy, với danh mục ngày càng đa dạng các lĩnh vực chiến lược.
Đầu tư từ phương Tây sang Trung Quốc, sẽ phụ thuộc vào phạm vi các quy tắc có thể sắp được đưa ra ở Mỹ và châu Âu. Một số dấu hiệu cho thấy, đầu tư của Mỹ bắt đầu giảm. Dòng vốn đầu tư mạo hiểm sang Trung Quốc đến nay đã giảm hơn 80% kể từ mức đỉnh năm 2018. Môi trường kinh doanh ở Trung Quốc ngày càng khốc liệt, và không có dấu hiệu sẽ nhẹ bớt. Tháng 6/2023, Sequoia, công ty đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ, thông báo sẽ ngưng hoạt động tại Trung Quốc vào năm 2024.
Theo một số chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cứng rắn ở phương Tây có thể yên tâm, rằng chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc mà họ đang cổ vũ, sớm muộn cũng sẽ đi đúng hướng.