Cuộc chiến khó khăn của Ukraine không phải điều lo ngại duy nhất của phương Tây. Dấu hiệu khác là Trung Quốc, Triều Tiên và Iran đang thắt chặt quan hệ, và hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Moscow.
Theo các nguồn tin phương Tây, Triều Tiên đã cung cấp cho Nga hàng triệu quả đạn pháo và hàng ngàn tên lửa đất đối đất. Iran thì cung cấp hàng ngàn máy bay không người lái. Sự hỗ trợ gián tiếp từ Trung Quốc, thông qua thương mại và xuất khẩu linh kiện điện tử, thậm chí còn ảnh hưởng sâu sắc hơn trong dài hạn.
Theo các nguồn tin Hoa Kỳ, Trung Quốc chưa chuyển giao bất kỳ vũ khí sát thương nào cho Nga. Nhưng thông qua các công ty tư nhân, họ bán cho Nga máy bay không người lái dân sự, hình ảnh vệ tinh, linh kiện điện tử và chip máy tính. Tất cả đều có thể dùng để sản xuất vũ khí.
Sự hình thành liên minh ngầm Nga-Trung Quốc-Iran-Triều Tiên, có thể đánh dấu xung đột Ukraine đang trở thành cuộc đối đầu giữa khối này và phương Tây.
Tại diễn đàn an ninh Lennart Meri thường niên ở thủ đô Tallinn của Estonia, từ ngày 16 đến 18/5 vừa qua, 2 chủ đề nóng được thảo luận, là cấp bách hỗ trợ Ukraine và ngăn chặn Trung Quốc - Triều Tiên - Iran giúp đỡ Nga.
Không ít ý kiến cho rằng, Hoa Kỳ nên áp dụng thêm trừng phạt thứ cấp, đối với doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc, nếu hỗ trợ xuất khẩu hàng công dụng kép sang Nga.
Cuộc đối đầu giữa phương Tây và 4 quốc gia này, có dấu hiệu leo thang thời gian gần đây, làm tăng căng thẳng ở những điểm nóng châu Á và Trung Đông.
Trong lịch sử, nhiều cuộc xung đột lớn bắt đầu tại châu Âu sau đó nhanh chóng lan ra châu Á.
Năm 1938, Đức đòi vùng Sudetenland của Tiệp Khắc. Sau khi Anh và Pháp chấp thuận, Đức tấn công Ba Lan năm 1939, bắt đầu Thế chiến 2.
Hai năm sau, Nhật Bản bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng, đưa Hoa Kỳ vào cuộc xung đột toàn diện với phe phát xít. Thái Bình Dương trở thành mặt trận chính.
Tại hội nghị Lennart Meri, Thủ tướng Estonia Kaja Kallas và nhiều quan chức khác nhấn mạnh, không nên để lịch sử lập lại khi Anh và Pháp nhân nhượng Đức quá sớm.
Theo quan chức quốc phòng Ba Lan và Estonia, Nga có thể xâm nhập hạn chế vào các nước Baltik nếu thành công tại Ukraine. Mục đích là gây ra sự hỗn loạn trong NATO.
Tướng Martin Herem, chỉ huy Lực lượng Phòng vệ Estonia cho biết, nếu Nga tấn công đất nước ông, họ sẽ bị đẩy lùi ngay lập tức. Tuy nhiên, phản ứng của NATO sẽ làm lung lay sự gắn kết nội bộ khối. Mục tiêu của Nga sẽ không phải chiến thắng quân sự, cũng không phải chiếm lãnh thổ, mà là phá hủy sự thống nhất và lòng tin của NATO, từ đó gây ra bất ổn.
Một số quan chức quốc phòng khác khẳng định, nếu NATO lùi bước trước hành động của Nga tại Ukraine, có thể làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh ở châu Âu. Hiện nhiều nước châu Âu đang cân nhắc gửi quân tới Ukraine. Một quan chức Hoa Kỳ nói rằng, nếu Ukraine tiếp tục bất lợi, lựa chọn như vậy rất đáng để cân nhắc.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, để ngăn chặn chiến tranh thế giới thứ 3, điều bắt buộc là đảm bảo cuộc tấn công của Nga thất bại. Do đó, hỗ trợ Ukraine, cũng chính là bảo vệ an ninh cho châu Âu từ xa.