Chỉ trong 2,5 năm, lạm phát phi mã đã khiến đồng bảng Lebanon mất đi 95% giá trị so với đồng đô la, tiền lương tối thiểu hàng tháng từ mức tương đương 450 USD xuống còn 20 USD. Nhà nước thậm chí đã không còn cung cấp điện, “mạng lưới an sinh xã hội” cũng không tồn tại.
Đối mặt với hiện thực thảm khốc này, nhiều người Lebanon đã hết hy vọng và đang tìm cách rời khỏi đất nước để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn ở nước ngoài. Một nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội thuộc Đại học Nhà nước Lebanon cho thấy, có gần tới 70% thanh niên thực sự muốn rời khỏi Lebanon vĩnh viễn.
Trong số những người được hỏi, có 85% đưa ra lý do cho mong muốn rời khỏi đất nước là vì họ không thấy có bất kỳ triển vọng nào ở một đất nước đột nhiên rơi vào cảnh nghèo đói. Hơn nữa, 90% những người muốn ra đi giải thích quyết định của họ là bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính và 2/3 số người được hỏi ra đi bởi những bế tắc chính trị ngăn cản các cải cách và sự phát triển của hệ thống. Một báo cáo khác do tổ chức Arab Barometer công bố chỉ ra rằng khoảng 48% dân số ở mọi độ tuổi “đang tìm cách rời khỏi Lebanon”.
Mong muốn được rời khỏi của một bộ phận lớn người Lebanon đã khiến nhu cầu về hộ chiếu tăng gấp 10 lần trong vòng 2 năm qua, dẫn đến tình trạng khan hiếm hộ chiếu. Vào cuối tháng 4, cơ quan an ninh thông báo rằng họ đã tạm ngừng các cuộc hẹn cấp hộ chiếu trên nền tảng trực tuyến của mình.
Cơ quan này cũng cho biết rằng lệnh tạm hoãn này sẽ có hiệu lực đến khi các nhà chức trách Lebanon thanh toán các khoản tiền cần thiết cho công ty chịu trách nhiệm sản xuất hộ chiếu mới. Trong khi, Nhà nước Lebanon đang rơi vào tình trạng vỡ nợ và không còn tôn trọng hầu hết các cam kết tài chính, ngay cả những cam kết cơ bản nhất.
Để vượt qua tất cả những khó khăn này, dù là về kinh tế hay hành chính, một số người Lebanon đang cố gắng có thêm một quốc tịch khác nhưng thực tế là giấy thông hành của họ đã không còn được đánh giá cao.
Một số hòn đảo ở Caribe cấp quốc tịch với số tiền lên đến 150.000 USD mà không cần phải đi du lịch đến nơi này. Các công ty tư vấn cung cấp dịch vụ này, chủ yếu dành cho những người Lebanon làm việc ở các nước vùng Vịnh hoặc những người cần di chuyển thường xuyên.
Ngoài ra, nhiều người Lebanon khác đã được hưởng lợi từ các chương trình “định cư theo đầu tư” do các nước Châu Âu như Hy Lạp, Bồ Đào Nha và thậm chí cả Cộng hòa Cyprus cung cấp. Những ai mua bất động sản tại các quốc gia này sẽ được cấp thị thực và có thể là quốc tịch. Tuy nhiên, phần lớn người Lebanon đã rơi vào cảnh nghèo khó và không đủ điều kiện để trang trải cho một cuộc sống khác dưới bầu trời tươi sáng hơn.