Vì sao Trung Quốc vội cử đại sứ sang Mỹ trong khi ghế đại sứ của Mỹ tại Trung Quốc vẫn để trống?

(VOH) - Chiếc ghế đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã bị bỏ trống trong hơn nửa năm qua, còn ông Tần Cương đã nhanh chóng được bổ nhiệm làm tân Đại sứ Trung Quốc tại Washington.

Ngày 23/6, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã lặng lẽ rời nhiệm sở, người kế nhiệm ông là cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cũng đã lặng lẽ lên đường sang Washington vào ngày 28/7 để đảm nhận cương vị đại sứ Trung Quốc sau hơn một tháng để trống vị trí này.

Tại cuộc họp báo vào tối cùng ngày sau khi đặt chân tới Washington, ông Tần Cương nói cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ đã được mở ra và nó sẽ không bị đóng lại.

Ông cũng cho biết thế giới đang trải qua những thay đổi lớn chưa từng có trong vòng một thế kỷ qua và quan hệ Trung-Mỹ đang ở vào thời khắc quan trọng, phải đối mặt với nhiều thách thức, đòi hỏi phải có cái gọi là cách thức hòa hợp mới.

Có quan điểm cho rằng phát biểu trên của ông Tần Cương dường như cho thấy Trung Quốc đang có những điều khó nói, đó là sợ phải trở mặt hoàn toàn với Mỹ. Nước này đang muốn thăm dò và bắn tín hiệu đến Mỹ rằng Bắc Kinh vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ quan hệ với Washington.

Trên thực tế, từ cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại Alaska vào tháng 3 cho đến cuộc hội đàm tại Thiên Tân mới đây, Trung Quốc luôn "lớn giọng" với Mỹ để tỏ ra mình mạnh mẽ và cứng rắn, nhưng đồng thời cũng muốn cho thấy mình là nạn nhân. Trên trường quốc tế, Trung Quốc muốn thể hiện vai trò ngang hàng với Mỹ, còn ở trong nước thì đẩy mạnh việc tuyên truyền nội bộ và thổi bùng ngọn lửa chủ nghĩa dân tộc.

Từ những gì đang diễn ra, có thể thấy giới chức Trung Quốc vẫn ngoan cố tin rằng "phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang đi xuống” là một xu thế, và họ đã sẵn sàng để thay thế vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ trong tương lai, ít nhất là "chia đôi quyền thống trị thế giới" với Mỹ.

Vì sao Trung Quốc vội cử đại sứ sang Mỹ trong khi ghế đại sứ của Mỹ tại Trung Quốc vẫn để trống? 1
 

Trung Quốc đang cố thể hiện sự hung hăng ở vẻ bề ngoài, nhưng trên thực tế và trong thâm tâm họ rất muốn Mỹ có thể dỡ bỏ các biện pháp cấm nhập cảnh đối với các đảng viên nước này, đồng thời mong muốn Mỹ có thể nhường bước trong vấn đề Đài Loan.

Sở dĩ Trung Quốc có những mong muốn như thế là vì họ thừa hiểu rằng Mỹ thật sự đủ sức để ngăn chặn bước tiến của họ.

Thấy gì từ câu chuyện của tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ?

Đầu tiên, chiếc ghế đại sứ Mỹ tại Trung Quốc đã bị bỏ trống trong hơn nửa năm qua kể từ khi ông Terry Branstad từ chức đại sứ trong những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Phía Mỹ không đề cập đến việc bổ nhiệm đại sứ mới sau khi ông Branstad rời khỏi Bắc Kinh trở về nước.

Theo nguyên tắc ngoại giao "có đi có lại", Trung Quốc lẽ ra cũng nên từ chối cử đại sứ sang Mỹ nhưng họ đã không làm thế khi chỉ trong hơn một tháng sau khi cựu Đại sứ Thôi Thiên Khải rời nhiệm sở, ông Tần Cương đã nhanh chóng được bổ nhiệm làm tân Đại sứ Trung Quốc tại Washington. Điều này cho thấy bề ngoài tuy Trung Quốc có vẻ rất "cứng rắn” với Mỹ nhưng trên thực tế thì rất è dè Mỹ, và điều này có thể thấy rõ thông qua những hành động của Trung Quốc.

Kế đến, Trung Quốc tiến hành các hoạt động bí mật trên đất Mỹ, bao gồm cả mạng lưới gián điệp tại Mỹ, có thể vì thế mà họ cần đến một người trong vai trò là đại sứ như ông Tần Cương để tổng hợp, điều phối và báo cáo về toàn bộ các hoạt động của họ tại Mỹ.

Tại cuộc họp báo ở Mỹ vào ngày 28/7 sau khi tới Washington để nhận nhiệm vụ, ông Tần Cương nói rằng quan hệ Trung-Mỹ đang ở vào thời khắc quan trọng và phải tìm cách hòa hợp. Những lời này của vị tân đại sứ Trung Quốc nghe ra có vẻ hơi khó hiểu, nhưng dụng ý của nó thật ra là muốn chuyển từ thế bị động sang thế chủ động.

 

Việc Mỹ không cử đại sứ đến Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại vội vàng cử đại sứ sang Mỹ, cho thấy Trung Quốc đang muốn gửi tín hiệu đến Mỹ rằng họ đến là để tìm kiếm cách thức hòa hợp mới cho quan hệ Trung-Mỹ bởi mối quan hệ này là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, những phát biểu của ông Tần Cương như đang định hình cái gọi là "hình ảnh của một cường quốc có trách nhiệm" của Trung Quốc, mà hàm ý của nó là Trung Quốc không định làm xấu đi mối quan hệ Trung-Mỹ và kẻ làm xấu đi mối quan hệ này chính là Mỹ.

Điều này có thể khiến một số doanh nhân Mỹ có thể đang tìm kiếm cơ hội làm giàu tại Trung Quốc cảm thấy hơi khó hiểu và có thể họ thực sự nghĩ rằng Mỹ nên thân thiện với Trung Quốc.

Từ những phân tích trên, có thể Mỹ sẽ phải cẩn thận đối với ông Tần Cương, người được Trung Quốc cử sang Mỹ làm đại sứ này có thể là một "con hổ biết cười".

Đôi nét về vị tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ

Ông Tần Cương năm nay 55 tuổi, người Thiên Tân, từng có thời gian dài công tác tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, từng đảm nhiệm chức vụ tùy viên và đại biện cấp cao của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Anh và Tây Âu.

Năm 2018, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách mảng châu Âu, truyền thông và nghi lễ nhà nước. Do đó, ông rất rành về mảng tuyên truyền đối ngoại, quan hệ với châu Âu và giao tế với người nước ngoài. Giờ đây, trong cương vị là tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, những kinh nghiệm công tác của ông trước đây có thể sẽ giúp ích được cho ông trong vai trò mới.

Điều quan trọng nhất là, ông ấy là một phụ tá tin cậy của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từng nhiều lần tháp tùng nhà lãnh đạo Trung Quốc trong các chuyến công du nước ngoài. Việc ông được cử sang Mỹ làm đại sứ, có thể thấy ông không phải là một người đơn giản.

Kể từ khi được bổ nhiệm làm tân đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, các nhà quan sát đã tranh luận về việc liệu ông Tần Cương có mang phong cách "Chiến Lang" (chiến binh Sói) đến Mỹ hay không.

Cụm từ "Chiến Lang" xuất hiện trong bộ phim bom tấn cùng tên của Trung Quốc vào năm 2015. Cụm từ này được dùng để miêu tả thế hệ các nhà ngoại giao trẻ của Trung Quốc có quan điểm cứng rắn hơn với phương Tây.

Người tiền nhiệm của ông Tần Cương được cho là nhà ngoại giao theo phong cách truyền thống, ông thường tránh những phát ngôn chỉ trích gay gắt Mỹ.