WHO khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhóm đồ uống “có hại cho sức khỏe”

VOH - Các loại thức uống có cồn, có đường theo Tổ chức Y tế Thế giới cần chịu mức thuế cao hơn, để hướng người tiêu dùng sang sản phẩm lành mạnh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi nghiên cứu nhận định thuế trung bình toàn cầu đối với những "sản phẩm không tốt cho sức khỏe" như đồ uống có cồn, có đường hiện ở mức thấp. Trong khi đó, mỗi năm có 2,6 triệu người tử vong do sử dụng đồ uống có cồn và 8 triệu người tử vong do chế độ ăn không lành mạnh.

WHO khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các loại đồ uống có đường và đồ uống có cồn, qua đó giúp giảm bớt việc sử dụng các sản phẩm này và thúc đẩy các công ty tạo ra các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.

WHO nêu rõ mặc dù hiện có 108 quốc gia áp một số loại thuế đối với các mặt hàng đồ uống có đường, nhưng trên toàn cầu, thuế tiêu thụ đặc biệt trung bình chỉ chiếm 6,6% giá nước ngọt.

WHO khuyến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho nhóm đồ uống “có hại cho sức khỏe” 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Reuters

Giám đốc phụ trách mảng tăng cường sức khỏe của WHO, ông Rudiger Krech cho rằng việc đánh thuế những sản phẩm không tốt cho sức khỏe sẽ tạo nền tảng dân cư khỏe mạnh, giúp giảm bớt bệnh tật, tình trạng suy nhược. Ngoài ra, còn giúp mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, từ đó phân bổ cho những dịch vụ công thiết yếu. Xét riêng với đồ uống có cồn, việc đánh thuế còn giúp ngăn ngừa bạo lực và thương tích do tai nạn giao thông đường bộ.

Ngày 5/12, WHO đã ban hành sổ tay hướng dẫn 194 quốc gia thành viên thực hiện chính sách đánh thuế và quản lý đồ uống có cồn. Việc định giá tối thiểu, bao gồm thuế, có thể hạn chế tiêu thụ rượu giá rẻ, giảm số ca nhập viện, số ca tử vong, các vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và các vụ phạm tội liên quan tới rượu.

Cơ quan này cũng chỉ ra có 148 quốc gia trên thế giới đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt trong nước đối với đồ uống có cồn.  Nhưng ít nhất 22 quốc gia, hầu hết là ở châu Âu, miễn thuế này đối với rượu vang.

Bình luận