Chờ...

WHO, LHQ kêu gọi Israel dỡ bỏ hạn chế viện trợ vào Dải Gaza

VOH - Ngày 21/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Israel dỡ bỏ các hạn chế viện trợ vào Dải Gaza, nói rằng tuyến đường chính cung cấp viện trợ y tế khẩn cấp vào vùng này từ Ai Cập đã bị cắt đứt.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Người dân ở Dải Gaza đang phải đối mặt với nạn đói, chúng tôi kêu gọi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa và cho viện trợ đi qua. Tình hình ở Dải Gaza đã vượt quá giới hạn thảm họa. Nếu không có thêm viện trợ vào Dải Gaza, chúng tôi không thể duy trì sự hỗ trợ đối với các bệnh viện và cứu sống người dân”.

Israel đã nắm quyền kiểm soát và đóng cửa cửa khẩu biên giới Rafah giữa Dải Gaza và Ai Cập ngày 7/5, làm gián đoạn tuyến đường quan trọng cho người dân và viện trợ ra vào vùng đất này.

israel-vien-tro-2440
Người dân chờ được phát thực phẩm cứu trợ tại thành phố Rafah - Ảnh: THX

Israel cho rằng các cơ quan không hoạt động hiệu quả trong khu vực, dẫn tới tình trạng tồn đọng nguồn cung cấp.

Theo Tổng giám đốc WHO, chiến dịch của Israel ở Rafah đã ảnh hưởng đến 6 bệnh viện và 9 trung tâm y tế, đồng thời khiến 70 nơi trú ẩn không còn được trang bị các dịch vụ chăm sóc y tế.

Ông nói: “Số lượt tư vấn hàng ngày giảm gần 40% và tỷ lệ tiêm chủng giảm 50%. Khoảng 700 bệnh nhân bị bệnh nặng đáng lẽ phải được sơ tán để chăm sóc y tế ở nơi khác nhưng họ đang mắc kẹt trong vùng chiến sự.”

Ngày 22/5, cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine cho biết việc phân phối thực phẩm ở thành phố Rafah phía Nam Gaza đã bị đình chỉ do thiếu nguồn cung và tình trạng mất an ninh ở thành phố đông dân này.

Tình hình nhân đạo tại vùng lãnh thổ này đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Israel chiếm giữ và đóng cửa cửa khẩu Rafah giáp với Ai Cập hồi đầu tháng này.

Đây là cửa khẩu quan trọng, từng là tuyến đường huyết mạch cho viện trợ cứu người và là điểm ra vào của các nhân viên tổ chức nhân đạo đã bị đóng cửa kể từ ngày 7/5.

Trước khi Israel bắt đầu tấn công Rafah, thành phố này là nơi sinh sống của 1,5 triệu người, hầu hết trong số họ đã bị buộc phải di dời khỏi các khu vực khác của Gaza. Theo Liên hợp quốc, hàng trăm ngàn người đã rời bỏ thành phố này kể từ khi Israel tấn công.