WHO tiếp tục kêu gọi các nước giàu tạm ngừng tiêm vắc xin liều 3 vào trước cuối năm

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8/9 một lần nữa kêu gọi các nước giàu ngừng tiêm vắc xin Covid-19 liều thứ 3 vào trước cuối năm nay.

Tại cuộc họp báo vào ngày 8/9, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói ông hy vọng các nước giàu tạm ngừng việc tiêm vắc xin liều thứ 3 vào trước cuối năm nay thay vì vào cuối tháng 9 như đề nghị đưa ra trước đây.

Người đứng đầu WHO nói ông bị "sốc" trước những bình luận của một hiệp hội các nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu. Hiệp hội này nói rằng nguồn cung vắc xin đủ lớn để có thể cung cấp liều tăng cường cũng như cung ứng cho các quốc gia đang rất cần vắc xin nhưng lại rất thiếu thốn nguồn cung.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: AFP via Getty Images)

Hồi tháng trước, ông Tedros từng kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm liều vắc xin thứ 3 vào trước cuối tháng 9, nhưng một số nước đã bắt đầu hoặc đang có kế hoạch tiêm vắc xin liều tăng cường cho những người thuộc nhóm đối tượng dễ bị nhiễm Covid-19.

Tuy nhiên, người đứng đầu WHO đã phải than phiền rằng không có bất kỳ sự thay đổi nào kể từ khi ông đưa ra lời kêu gọi trên vào tháng trước.

Xem thêm: 8 mẹo để tránh lây nhiễm Covid-19 khi di chuyển bằng đường hàng không

Hiện ông Tedros đang lùi thời hạn chót cho việc hoãn tiêm vắc xin liều tăng cường đến cuối năm nhằm bảo đảm các quốc gia trên thế giới đều có ít nhất 40% dân số được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19.

Ông nói WHO đã kêu gọi sự công bằng trong phân phối vắc xin ngay từ đầu, chứ không phải sau khi các nước giàu bắt đầu triển khai việc tiêm vắc xin liều thứ 3.

"Khi các công ty và các quốc gia kiểm soát nguồn cung vắc xin trên toàn cầu cho rằng những người nghèo trên thế giới nên hài lòng với những món hàng thặng dư, tôi sẽ không im lặng", ông Tedros nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đối với nhóm nguy cơ cao, việc tiêm vắc xin liều tăng cường cho họ là cần thiết, bởi có bằng chứng cho thấy những người này đã bị giảm khả năng miễn dịch để chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong. "Nhưng hiện tại, chúng tôi không muốn thấy liều vắc xin tăng cường được sử dụng rộng rãi cho những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ", theo ông Tedros.

Hiện một số quốc gia giàu có đã bắt đầu phân phối vắc xin liều tăng cường hoặc đang chuẩn bị làm điều đó.

Israel đã bắt đầu triển khai việc tiêm vắc xin liều tăng cường cho những người trên 60 tuổi vào ngày 30/7 và bắt đầu hạ độ tuổi đủ điều kiện tiêm vắc xin xuống còn 12 tuổi vào tuần trước.

Mỹ cũng sẽ bắt đầu việc tiêm vắc xin liều tăng cường từ ngày 20/9 này. Những ai đã tiêm vắc xin Pfizer liều thứ hai trên 8 tháng đều có thể tiêm liều tăng cường miễn sao điều kiện sức khỏe của họ cho phép.

Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã thu hẹp kế hoạch dự kiến ban đầu, tạm thời chỉ cung cấp liều tăng cường cho những người tiêm vắc xin Pfizer và tạm thời loại vắc xin Moderna ra khỏi kế hoạch này.

Theo WHO, hiện đã có 5,5 tỷ liều vắc xin được tiêm chủng trên toàn cầu, nhưng 80% trong số đó được tiêm cho người dân tại các nước có thu nhập cao và trung bình.

Bình luận